Giang hồ đồn Thiếu Lâm tự có 72 tuyệt kỹ, đứng đầu là Dịch Cân kinh. Trong “Tiếu ngạo giang hồ”, Lệnh Hồ Xung bị tám luồng chân khí trái nghịch xâm nhập làm đảo lộn kinh mạch, Nhậm Doanh Doanh phát động quần hùng khắp chốn, tìm trăm phương ngàn kế để chữa trị cho “Xung nhi”, nhưng các kỳ nhân dị sĩ Minh giáo chỉ tổ làm bệnh tình chàng thêm trở nặng. Rốt cục, Thánh cô phải cõng tình lang lên ngọn Thiếu Thất, nhờ phương trượng Thiếu Lâm cứu mạng. Nhưng thầy chùa Thiếu Lâm làm hiểm, chỉ tạm chữa trị cho Lệnh Hồ Xung. Mãi sau này, khi giang hồ sắp bị thế lực Minh giáo tóm trọn, lão trọc Phương Chứng mới truyền thụ Dịch Cân kinh cho Lệnh Hồ Xung để có đối trọng với Nhậm Ngã Hành…
Nếu tò mò tìm hiểu, e là Nhậm Doanh Doanh đã không phải khổ công lặn lội gian lao công cốc, để thân vạn lượng Thánh cô phải chịu giam cầm, bởi Dịch Cân kinh thiệt ra đách phải tuyệt kỹ trấn môn gì.
Thiệt xui: Những đồn đại về “Phật môn thần công” này đều là Fake news!
1- “DỊCH CÂN KINH NGHĨA”
Dịch 易 ở đây có nghĩa là “sửa trị, dời đổi”; Cân 筋 là gân, bắp thịt; Kinh 經 là lời của bậc tôn sư. Tương truyền Dịch Cân kinh có niên đại đã 1.500 năm, do Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma viết ra sau 9 năm diện bích trên núi Thiếu Thất. Nhưng trong hơn 50 bản Dịch Cân kinh cổ đại hiện có, bản xưa nhất cũng chỉ mới 350 năm. Phần lớn các văn bản này không mang tên Dịch Cân kinh, mà là “Dịch Cân kinh nghĩa”, như:
- Dịch Cân kinh nghĩa 易筋經義, bản chép tay do học giả đời Thanh là Châu Trung Phu[1] phát hiện, hiện được lưu giữ ở Thư viện Quốc gia (Bắc Kinh).
- Dịch Cân kinh nghĩa phục khí đồ thuyết 易筋經義服氣圖說, bản khắc mộc, niên hiệu Ung Chính (1722-35).
- Dịch Cân kinh nghĩa 易筋經義, bản khắc in năm thứ 10 niên hiệu Quang Tự (1884), hiện lưu trữ tại Thư viện Đại học Trung y dược Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm).

Chữ “Nghĩa” ở đây, hàm ý là “diễn giải ý nghĩa”. Bởi theo ghi nhận của chính các văn bản này, Dịch Cân kinh vốn nguyên văn chữ Phạn, các nhà sư Tàu không đọc được. Thiếu Lâm tự phải cử người đem kinh qua tuốt Tứ Xuyên, tới núi Nga My, nhờ thánh tăng Tây Trúc là Ban Lạt Mật Đế 般剌密諦 (Pramiti) dịch ra Hán văn. Ban Lạt Mật Đế sau khi nghiền ngẫm, cho biết kinh này ý nghĩa uyên áo, chỉ có thể tạm dịch nghĩa. Bản dịch ấy vì vậy có tên “Dịch Cân kinh nghĩa” – bản chép tay hiện lưu trữ ở Viện nghiên cứu Trung y tỉnh Chiết Giang còn đề hẳn tên là “Dịch Cân kinh dịch nghĩa” 易筋經譯義.
2- TÁC GIẢ VÀ NIÊN ĐẠI
Mặc dù các văn bản đều khẳng định Dịch Cân kinh được dịch từ Phạn văn, nhưng tuyệt không thể tìm đâu ra nguyên bản tiếng Phạn, thậm chí cũng không hề có kinh Phạn nào tương đồng hoặc từng nhắc đến Dịch Cân kinh. Vì vậy có thể nói: chuyện Bồ Đề Đạt Ma trước tác Dịch Cân kinh chỉ là giai thoại.
Nhưng nếu không phải Bồ Đề Đạt Ma, thì ai là người viết Dịch Cân kinh?
Năm 1958, học giả Đường Hào[2] chứng minh Dịch Cân kinh do Tử Ngưng đạo nhân 紫凝道人 ngụy tạo vào năm thứ 4 niên hiệu Thiên Khải đời Minh (1624). Đường Hào là học giả tiếng tăm, lại là nhân vật chính trị oai quyền: Cố vấn Công an, Ủy viên Địa khu Hoa Đông (bao gồm 6 tỉnh Sơn Đông, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến và thành phố Thượng Hải), nên thuyết của Hào có ảnh hưởng sâu rộng, dần trở thành “quan điểm chính thống”, được đưa vào “Đại Bách khoa Toàn thư Trung quốc”.
Nhưng Đường Hào khi đó chỉ thu thập được 7 bản Dịch Cân kinh nghĩa, thấy trong 3 bản có lời bạt của “Tử Ngưng đạo nhân, đạo hiệu Tông Hành ở núi Thiên Thai đề” đã vội võ đoán, mà không hề để ý một điểm quan trọng: Dịch Cân kinh chỉ có thể xuất hiện vào khoảng đầu đời Thanh đến niên hiệu Ung Chính, tức từ 1645-1735, chứ không thể sớm hơn; và “Lời bạt” kia cũng như 2 lời Tựa, đều là ngụy tác.
Người viết đã cố tình ngụy tạo, văn bản lại toàn chép tay và lưu truyền trong dân gian, thành thử thiệt khó xác minh đích danh tác giả là ai.
Theo nội dung mà xét, thì Dịch Cân kinh là một mớ hỗn tạp, bao gồm cả Nho, Thích, Đạo tùy hứng. Lại lấy cả tiểu thuyết truyền kỳ Cầu Nhiêm khách[3] làm sự thật lịch sử, để chứng minh Lý Tịnh từng luyện Dịch Cân kinh. Qua đó có thể thấy người viết thiếu kiến thức căn bản cả về tôn giáo lẫn lịch sử.

Các bản chép tay cổ nhất phần lớn được tìm thấy rải rác trong phạm vi Giang Chiết, từ phía nam Trường Giang tới phía bắc sông Tiền Đường, bao gồm các tỉnh thành Giang Tô, Thượng Hải, Chiết Giang và An Huy; với tâm điểm là Tô Châu, Thượng Hải, rồi từ đó lan chuyền ra chung quanh.
Tổng hợp các yếu tố trên, có thể tạm kết luận: Dịch Cân kinh là do tác giả ẩn danh có văn tài tầm thường, sống ở vùng Giang Chiết, biên soạn vào khoảng 1645-1735.
3- NỘI DUNG
Học giả Châu Trung Phu đời Thanh nhận xét Dịch Cân kinh là sách dạy luyện nội đan. Sau này, tới Đường Hào cũng cùng quan điểm, cho Dịch Cân kinh là “tà thuyết”, nói về phòng trung thuật[4]. Nói vậy cũng oan cho “Thiếu Lâm thần công”, bởi Dịch cân kinh tuy có hơi hướm bí thuật giao hoan, song đó chỉ là phần nhỏ.
Các bản Dịch Cân kinh thường gồm 28 “tắc” 則 (phép tắc, cách thức), kèm với hai lời Tựa và một lời Bạt. Chỗ nói về kỹ thuật phòng the là phép “Dụng chiến” 用戰 (có bản gọi phép Dư kỹ 餘伎). Trong bản chép tay của Thư viện Quốc gia Bắc Kinh, thay vào chỗ phép “Dụng chiến” chỉ là trang giấy trắng. Gần đây, còn phát hiện trong Quốc lập Công văn Thư quán (National Archives – Văn khố nội các của Nhật Bản) có bản chép tay Dịch Cân kinh, niên hiệu Khang Hy (1654-1722), bản này gồm 24 tắc, không có phép “Dụng chiến”. Tới nay vẫn chưa thể xác định tắc “Dụng chiến” có từ đầu hay được người sau thêm vào, nên không thể căn cứ nhiêu đó để kết luận Dịch Cân kinh là tài liệu giáo dục giới tính cho thầy chùa.
Về nội dung, 28 tắc chia làm ba phần:
- Luận: gồm 3 tắc đầu, gọi chung “tam luận” là: Dịch cân tổng luận 易筋總論, Mạc luận 膜論[5], và Nội tráng luận 內壯論. Đây là phần lý luận, chủ yếu tán dương Dịch Cân kinh.
- Phương 方: tức “dược phương” (toa thuốc), là 20 tắc sau phần luận. Ngoài các toa thuốc trong uống ngoài thoa, còn hướng dẫn cụ thể các phép luyện khí, xoa bóp, rèn luyện tay chân, thậm chí cả quy tắc và phương pháp giao hợp sao cho hấp thụ được tinh túy càn khôn.
- Công 功, gồm 5 tắc cuối: Dụng chiến 用戰, Nội tráng thần dũng 內壯神勇, Luyện thủ dư công 練手餘功, Ngoại tráng thần dũng Bát đoạn cẩm 外壯神勇八段錦, và Thần dũng dư công 神勇餘功. Nói về công hiệu như thần nếu luyện thành các phép ở phần trên. Những lời hậu thế tán tụng Dịch Cân kinh phần lớn đều là lặp lại y khuôn theo lập luận trong 5 tắc này[6].

Thời kỳ đầu, trong các bản chép tay chỉ toàn là chữ, tới các bản khắc in sau này mới thêm 12 hình vẽ mô tả các động tác, kêu bằng “Dịch Cân kinh Thập nhị thức”.
Thập nhị thức xuất hiện sớm nhất là trong bản do Lai Chương thị[7] tuyển chọn (Lai Chương thị tập bản 來章氏輯本). Các bản này đều chỉ ghi mơ hồ là vào niên hiệu Đạo Quang (1782-1850), chứ không đề cụ thể in năm nào. Nhờ có thêm đồ hình minh họa, bản của Lai Chương thị lan truyền sâu rộng, tái bản nhiều lần. Có điều, “Thập nhị thức” đó lại là sao chép y chang từ Thập nhị đoạn cẩm đồ 十二段錦圖. Thập nhị đoạn cẩm là 12 thức Cổ lực pháp 賈力法 hướng dẫn phép luyện khí trong Đế kinh cảnh vật lược 帝京景物略, sách ghi chép lịch sử-địa lý-cảnh vật Bắc Kinh của Lưu Đồng 劉侗, khắc in năm Sùng Trinh thứ 8 (1635).

Dịch Cân kinh Thập nhị thức do đó thật ra chỉ là lấy của người làm của mình. Đời sau không tìm hiểu ngọn nguồn, cứ nghe võ thuật Thiếu Lâm là đâm đầu tin theo, đã vậy còn tán láo tầm ruồng, rằng luyện Thập nhị thức có thể tiêu trừ bá bệnh[8].
Tới đây, nảy ra câu hỏi: Do cơ duyên nào mà công phu chắp vá đó trở thành “Thiếu Lâm thần công”?
4- QUÁ TRÌNH THÁNH HÓA
Trước hết, phải công nhận một điều, là lý luận trong Dịch Cân kinh tuy hổ lốn thập cẩm nhưng đã góp phần phổ biến quan điểm mới của làng võ Trung Hoa.
Võ Tàu thường được ngoa truyền có lịch sử hơn 1.500 năm, nhưng nếu thẩm tra lại, sẽ thấy chẳng môn nào tròn 550 tuổi. Lúc ban sơ, có thể nói đó chỉ là những bài thể dục thông thường. Phải đến cuối Minh đầu Thanh, người ta mới nghĩ tới kết hợp động tác với hơi thở, gọi là “nội ngoại kiêm tu”. Những động tác “võ thuật” từ đó mới dần phát huy được uy lực và giúp nâng cao sức khỏe hơn cho người tập.
Thập nhị đoạn cẩm là một trong những bài tập “cách tân” kết hợp động tác với hơi thở, nhưng lại ẩn khuất trong quyển sách địa chí, ít người biết tới. Châu Lai Chương nhân đó đã đánh tráo Thập nhị đoạn cẩm thành Dịch Cân kinh Thập nhị thức, biến 12 tư thế thể dục này thành Thiếu Lâm nội công chân truyền.
Niên hiệu Gia Tĩnh nhà Minh (1521-1567), bọn cướp biển hoành hành, một số nhà sư Thiếu Lâm ứng nghĩa tham gia dẹp Nụy khấu, lập được nhiều chiến tích vang dậy suốt một dải hải tần từ Hàng Châu, Thượng Hải tới Tô Châu. Từ đó, tụi nhà văn rảnh quá bèn tưởng tượng ra chùa Thiếu Lâm là nơi ngọa hổ tàng long, để tha hồ múa bút ca tụng.
Thậm chí sau đó hơn trăm năm, Vương Chinh Nam 王征南 (1617-1669) xuất thân võ cử, vốn là một quyền gia phái Võ Đang, nhưng vì có thời gian dạy võ tại Thiết Phật tự 鐵佛寺 ở thành Ninh Ba (Chiết Giang), cũng được gán ghép thành ra đệ tử tục gia của phái Thiếu Lâm.
Qua đời Thanh, trong bộ tiểu thuyết châm biếm lừng danh “Nho lâm ngoại sử” của Ngô Kính Tử, có nhân vật Phụng Minh Kỳ 鳳鳴岐, tức Phụng Tứ lão gia, được giới thiệu là hiệp khách “rất giỏi về quyền thuật, thuộc làu cả bộ Dịch Cân kinh. Nếu ông ta lên gân thì dù một tảng đá nặng mấy ngàn cân rơi trên đầu hay trên mình cũng không hề gì”[9].
Từ đời Càn Long (1735-1796) trở về sau, không chỉ tuồng tích tiểu thuyết, mà cả văn-sử liệu cũng đua nhau đề cao. Nhất là hai bộ sách nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn, là Vệ sinh yếu thuật 衛生要術 của Phan Úy, và Nội công đồ thuyết 內功圖說 của Vương Tổ Nguyên 王祖源 cũng đưa Dịch Cân kinh Thập nhị thức vào tuyển tập, khiến Thập nhị thức càng được tôn sùng.

Theo đà đó, đời Đạo Quang (1782-1850) có Tam dị bút đàm 三異筆談 của Hứa Nguyên Trọng 許元仲, Dã ngữ 野語 của Trình Đại Am 程岱葊, Khách song nhàn thoại 客窗閒話 của Ngô Xí Xương 吳熾昌; niên hiệu Đồng Trị (1862-1875) có Kiếp Dư thi tuyển 劫餘詩選 của Tề Học Cừu 齊學裘… đều cho Dịch Cân kinh có hiệu dụng phi thường.
Tới thế kỷ XX, tiểu thuyết kiếm hiệp thịnh hành. Bất Tiếu Sinh viết “Cận đại hiệp nghĩa anh hùng truyện”, Thường Kiệt Miểu viết “Ung Chính kiếm hiệp đồ”, Lương Vũ Sinh viết “Thất kiếm hạ Thiên Sơn” (1956-57), Ngọa Long Sinh viết “Ngọc thoa minh” (1960), Cổ Long viết “Đa tình kiếm khách vô tình kiếm” (1974); và nhất là Kim Dung với “Thiên long bát bộ” (1963), “Tiếu ngạo giang hồ” (1967), “Lộc đỉnh ký” (1969)… thảy đều miêu tả Dịch Cân kinh là thần công thứ thiệt. Tụi nhà văn làm quá, tới nỗi chính chùa Thiếu Lâm ngày nay tuy biết rõ hơn ai hết, môn luyện nội công này chỉ là đồ bá láp, nhưng cũng đành để bụng, cấm dám hở ra…
[1] Châu Trung Phu 周中孚 (1768-1831): tự Tín Chi 信之, hiệu Trịnh Đường 鄭堂, quê ở huyện Ngô Hưng tỉnh Chiết Giang. Ông là học giả lớn đời Thanh, tinh thâm kinh sử lẫn văn nghệ, chuyên gia sưu tầm thư tịch cổ. [2] Đường Hào 唐豪 (1896-1959): người Giang Tô, luật sư và nhà nghiên cứu võ thuật.
Lúc nhỏ thất học, Hào phải tới Giang Tô kiếm sống, nhờ được Lưu Chấn Nam (bậc tôn sư tề danh Hoắc Nguyên Giáp, Chưởng môn Tinh Võ) nhận làm đồ đệ và truyền thụ Lục Hợp quyền. Từ đó Hào có cơ hội tới trường, lấy luôn bằng luật sư.
Hào tham gia Cộng đảng và bị bắt bỏ tù (năm 1927), được Chưởng môn Hình Ý quyền Chu Quốc Phúc bảo lãnh nên được tha. Sau đó Hào qua Nhật học thêm Nhu đạo và Kiếm đạo.
Về nước, Đường Hào chuyên khảo cứu lịch sử võ thuật, có nhiều công trình quan trọng về Thiếu Lâm, Võ Đang, Trần gia Thái Cực quyền…
#vo_thuat_tinh_ma
Tác giả: Vinhhuy Le