Trước hết phải nói rằng, tôi không đồng ý với những quan điểm cho rằng Lý Bạch khi viết 3 bài “Thanh Bình Điệu” để ca ngợi vẻ đẹp của Dương Qúy Phi lại chưa từng gặp nàng.
Thứ nhất, người làm thơ thời xưa không giống thơ ca hiện đại, họ làm thơ là vì “tức cảnh sinh tình”. Nếu không có cảnh thì sẽ chẳng có thơ, huống hồ lại là ba bài thơ tuyệt tác, tình ý dồi dào. Nếu Lý Bạch viết điều ông không thấy chỉ để lấy tiền vàng hay vừa lòng quân vương thì lại càng không xứng đáng với tư cách của một bậc thi nhân hàng đầu.
Thứ hai, những giai thoại về việc Lý Bạch mượn bài thơ để chê trách Đường Minh Hoàng sủng ái Dương Qúy Phi cũng không có cơ sở, bởi vì nếu dựa trên ngôn từ thuần túy, ta sẽ chỉ thấy toàn bộ ý tứ của ba bài mang nhiều màu sắc trữ tình. Thói quen dùng từ “khuynh quốc” hay sự ví von với nhan sắc của Phi Yến chỉ đơn giản là những điển tích điển cố thường thấy trong thơ ca cổ để gợi vẻ đẹp của các mỹ nhân chứ không hoàn toàn có hàm ý châm biếm trong đó. Nếu mượn vẻ đẹp của mỹ nhân để đưa ra quan điểm chính trị của mình thì lại càng mâu thuẫn với con người thẳng thắn và cao ngạo của Lý Bạch. Nếu bàn về lời cảnh tỉnh của Lý Bạch dành cho Đường Minh Hoàng thì thiết nghĩ một bài “Tây Thi” đã rất đầy đủ, và ta có thể thấy rằng ông chẳng cần phải giấu diếm quan điểm chính trị của mình trong đó.
Mặc dù Lý Bạch có quan điểm chê trách Đường Minh Hoàng sủng ái Dương Qúy Phi nhưng cũng không có nghĩa rằng ba bài “Thanh bình điệu” nhất nhất phải nhằm mục đích này. Một thi nhân lãng mạn như Lý Bạch nếu có chút trầm trồ trước vẻ đẹp của Dương Qúy Phi thì âu cũng chẳng có gì lạ. Tại sao chúng ta không thưởng lãm cái tình lãng đãng của Lý Bạch và vẻ đẹp mơ hồ tựa người tiên của Dương Qúy Phi mà cứ phải khoác lên vẻ trữ tình ấy những suy nghĩ chính trị khô cứng và khiên cưỡng để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của nhiều lớp nhà Nho vốn ghét bỏ những chuyện tình quân vương và mỹ nhân mà chỉ tôn thờ phụ nữ bị trói trong Tam Tòng Tứ Đức.
Nên nhớ, Lý Bạch là tiên thi, ông vẫn tự coi mình là một vị “trích tiên”. Ngay trong bài đầu tiên của “Thanh bình điệu”, ông đã viết tứ thơ rằng khi ngắm Dương Qúy Phi chằng khác nào từng hội kiến ở chốn tiên cảnh. Tiên thi có lẽ nào lại dành cho mỹ nhân không xứng đáng một tứ thơ như vậy.
Tôi xin được địch và đăng tải 3 bài “Thanh Bình điệu” kèm chú giải của mình để các bạn đọc cùng thưởng lãm:
Hà Thủy Nguyên dịch
Kỳ 1
Mây nhớ xiêm y, hoa nhớ dáng
Xuân phong hiên thoảng ám hương loang
Chẳng phải Quần Ngọc người trên núi (*)
Ấy cũng Dao Đài hẹn dưới trăng. (**)
Bản Hán Việt:
Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,
Xuân phong phất hạm, lộ hoa nùng.
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng.
(*) Quần Ngọc là một núi tiên trong truyền thuyết. Nguyên tác câu này dịch ra là “Nếu không phải đã thấy (nàng) nơi mé núi Quần Ngọc”, ý muốn nói vẻ đẹp của Dương Qúy Phi như ở cõi tiên. Ở đây, để đảm bảo nhịp điệu của câu thơ, tôi đã rút gọn chi tiết “gặp ở nơi mé núi” thành “người trên núi”, tuy không chính xác nhưng vẫn cố gắng đảm bảo tứ của câu thơ.
(**) Dao Đài là tên cung tiên trong truyền thuyết.
Kỳ 2
Một nhành tươi thắm sương đọng hương
Mây mưa núi Vu uổng đau thương.
Cung Hán ai kẻ bằng được nhỉ
Phi Yến điểm trang cũng hoài công. (***)
Bản Hán Việt:
Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,
Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường.
Tá vấn Hán cung thuỳ đắc tự,
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang.
(***) Phi Yến là mỹ nhân nổi tiếng làm lung lay triều Hán. Nhiều giai thoại về Lý Bạch đều cho rằng vì Dương Qúy Phi nghĩ Lý Bạch ví nàng như Phi Yến với ẩn ý “mỹ nhân họa thủy” nên đã xúc xiểm với Đường Minh Hoàng không trọng dụng Lý Bạch. Tuy nhiên, đó chỉ là giai thoại được thêu dệt sau này bởi các nhà Nho vốn không ưa thích các mỹ nhân được hoàng đế sủng ái và lối sống hưởng lạc Vả lại, hai câu thơ cuối của Lý Bạch chỉ hàm ý vẻ đẹp của Dương Qúy Phi tự nhiên, vượt trội hơn cả Phi Yến phải điểm trang.
Kỳ 3
Hoa quý mỹ nhân nụ cười tươi
Quân vương mải ngắm mỉm miệng vui
Hận sầu theo gió xuân tiêu tán
Đình Trầm ai tựa dáng thảnh thơi (****)
Bản Hán Việt
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,
Trường đắc quân vương đới tiếu khan.
Giải thích xuân phong vô hạn hận,
Trầm Hương đình bắc ỷ lan can.
(****) Câu này có nghĩa là “(Khi ngắm nàng) tựa vào lan can ở mé bắc đình Trầm Hương”. Kết hợp với câu trên có thể hiểu ý hai câu là những hận sầu của quân vương, khi ngắm dáng vẻ của nàng đã theo gió xuân tiêu tán hết rồi. Để đảm bảo vần điệu và ý tứ của câu thơ, tôi đã phỏng dịch câu thơ này.
ẢNH MINH HỌA: Phim “Dương Qúy Phi – Vương triều đích mỹ nhân”.