Trấn Sơn Tây hay tỉnh Sơn Tây cũ có một địa vị quan trọng ảnh hưởng đến văn hóa thờ cúng tại Hà Nội nói chung và trung tâm Hà Nội nói riêng. Địa danh “Sơn Tây” được nhắc đến đầu tiên dưới thời Lê Thánh Tông. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) Lê Thánh Tông quan sát địa thế khu vực này thấy nơi đây có địa hình đồi núi lại nằm ở phía Tây thành Thăng Long, nên đặt tên là “Sơn Tây thừa tuyên”.
Về căn bản, trấn Sơn Tây nằm chủ yếu trên 2 địa bàn: Khu vực quanh dãy núi Ba Vì và khu vực quanh ngã ba Bạch Hạc. Mặc dù khu vực quanh ngã ba Bạch Hạc thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ, nên tôi sẽ vẫn nhắc qua những điểm cốt yếu.
1. Sơn Tây qua dòng lịch sử
Đây là vùng đất cổ với nhiều di chỉ khảo cổ từ thời văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên… rải rác trên toàn bộ tỉnh. Điều này cho thấy đây là khu vực dân cư cổ. Theo “Sơn Tây tỉnh địa chí” của ông Phạm Xuân Độ, trấn Sơn Tây thời Hùng Vương chính là kinh đô Phong Châu của nhà nước Văn Lang (chương I, trang 11, Sơn Tây tỉnh địa chí, 1941). Tuy nhiên, vị trí thực sự của nhà nước Văn Lang đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, thế nên ta chỉ có thể biết rằng đây là vùng đất gắn với văn hóa người Việt cổ.
Ở thời Bắc thuộc, trấn Sơn Tây nhiều lần tách ra nhập vào. Tuy nhiên, khu vực núi Ba Vì luôn đươc coi là một địa danh với nhiều huyệt phong thủy quan trọng. Một tập sách có tên “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự” được cho là tập hợp các ghi chép của Cao Biền về huyệt phong thủy, trong đó có những ghi chép tại miền bắc Việt Nam. Ba Vì được đề cập đến như một trong những đế vương huyệt quan trọng bậc nhất. Riêng ở khu vực Sơn Tây có 36 chính huyệt và 85 bàng huyệt, đều là những huyệt rất quan trọng. Ở đây chúng ta không bàn đến đúng sai trong phong thủy, mà chúng ta ghi nhận rằng dãy núi Ba Vì và toàn bộ khu vực trấn Sơn Tây cũ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nhận thức về vùng đất thiêng không phải chỉ trong tâm thức các dân tộc Việt cổ mà ngay cả với các quan đô hộ từ phương Bắc.
“Sơn Tây tỉnh địa chí” cũng cho biết rằng vào thế kỷ thứ 10, trấn Sơn Tây là địa bàn hoạt động của sứ quân Ngô Nhật Khánh. Sứ quân đóng tại Đường Lâm ngày nay. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô Nhật Khánh là cháu của Ngô Quyền, do đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng quê hương của Ngô Quyền là ở Đường Lâm. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng xứ Đường Lâm của Ngô Quyền thực sự lại nằm ở khu vực khác.
Làng Cam Lâm, ngay cạnh Đường Lâm cũng là địa bàn hoạt động của sứ quân Nguyễn Khoan. Nguyễn Khoan có ảnh hưởng lớn quanh khu vực ngã ba Bạch Hạc. Lúc bấy giờ còn được gọi là vùng Tam Đái. “Sơn Tây tỉnh địa chí” cho biết:
Một bên là núi Một tai, một bên là núi Biện, ở địa phận xã Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc giữa đất bằng nổi lên đồi đất, hình như voi quỳ. Dưới có đầm sâu, Nguyễn Sứ quân chiếm Tam Đái, đóng đô ở đấy, vì thế có tên là Nguyễn Gia Loan. Loan giang – cùng với Bạch Hạc giang – Phó Đáy giang tạo nên Tam Đái – trở thành địa danh lịch sử từ thời Sứ quân, một “tiểu triều đình” tạo nên bởi ba dải sông, nên sự trù phú: “Nhất Tam Đái, nhì Khoái Châu”.
Theo gia phả họ Nguyễn tại xã Đông Văn và xã Đông Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Khoan là một trong ba anh em họ Nguyễn (hai người khác là Nguyễn Siêu, Nguyễn Thủ Tiệp). Họ là con trai của tướng quân Nguyễn Nê – một tướng phương Bắc cử xuống yêu cầu họ Khúc cống nạp, sau đó ở lại Giao Châu và sinh con đẻ cái. Như vậy, từ thế kỷ thứ 10, người phương bắc di dân đã có một ảnh hưởng nhất định đến vùng đất cổ này.
Thời Đinh và Tiền Lê, trấn Sơn Tây vẫn được gọi là vùng Tam Đái nhưng không chính thức được thừa nhận. Đến thời Lý, khu vực trấn Sơn Tây được gọi là châu Quốc Oai. Thời Trần, lại đổi thành châu Quảng Oai, chia thành 3 lộ là Quảng Oai lộ, Tam Đái lộ, Tam Giang lộ.
Vào thời Lê, như đã đề cập ở trên, Sơn Tây thừa tuyên được thành lập, đóng vai trò như phên dậu của kinh thành Thăng Long, bảo vệ Thăng Long khỏi tấn công của các bộ lạc ở trấn Hưng Hóa (tức cả tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc ngày nay).
Thời Lê Trung Hưng, trấn Sơn Tây có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Trên website họ Trịnh Việt Nam, một loạt tin bài đăng tải về đền vua Lê ở xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất cho biết xã Lại Thượng chính là căn cứ của Trịnh Kiểm chống lại nhà Mạc. Khu căn cứ này có tên gọi là Biện Dinh. Các chúa Trịnh đời sau cũng rất chăm lo cho trấn Sơn Tây, sửa sang xây mới hệ thống đền chùa tại trấn Sơn Tây, đặc biệt là ở dưới thời vua Lê Thần Tông. Vua Lê Thần Tông còn tự gắn mình với sự tích về Từ Đạo Hạnh tại chùa Thầy, tự xưng là hậu kiếp của Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông. Quan trấn thủ Sơn Tây luôn được giao cho các tướng lĩnh thân tín với họ Trịnh, đặc biệt, cuối thời Lê Trịnh, chức trấn thủ Sơn Tây thường được giao cho gia tộc họ Nguyễn ở Tiên Điền.
Đến thời Nguyễn, vua Minh Mạng phân chia lại trấn Sơn Tây: tách Tam Nông (Phú Thọ) ngày nay về châu Hưng Hóa, tách Từ Liêm sát nhập vào Hà Nội. Đến thời Thành Thái, vùng Tam Đái (lúc bấy giờ là phủ Vĩnh Tường) được cắt về Phú Thọ. Thủ phủ của trấn Sơn Tây bấy giờ được đặt tại thành Sơn Tây, thuộc thị xã Sơn Tây ngày nay. Sự phân chia địa vực này kéo dài đến thời Pháp thuộc.
Tôi chọn khu vực trấn Sơn Tây theo địa vực mà Minh Mạng phân chia để khảo sát các vị thần trong khu vực này. Theo dấu lịch sử thì trấn Sơn Tây sẽ chịu ảnh hưởng các lớp văn hóa mà theo đó là các lớp thần quỷ như sau:
- Lớp Việt Mường cổ: qua các di chỉ tiền sử và tín ngưỡng thờ của văn hóa Văn Lang
- Lớp Hán hóa: có từ thời Bắc thuộc đến Lý – Trần
- Lớp ảnh hưởng của tín ngưỡng từ Thanh Hóa: có từ thời Lê
Chúng ta sẽ thấy các vị thần dần bị biến hóa để phù hợp với các lớp văn hóa ảnh hưởng này.

2. Hệ thống thần quỷ theo từng tiểu vùng thuộc Sơn Tây
2.1. Khu vực quanh núi Ba Vì
Nhắc đến Ba Vì, chúng ta không thể không quên sự tích Sơn Tinh – Thủy Tinh. Sơn Tinh được phong là Đức Thánh Tản Viên.
Trong các sách như “Lĩnh Nam chích quái” hay “Việt điện u linh”, Đức Thánh Tản Viên thường hiển linh là một cụ già có phong thái tiên phong đạo cốt. Những mô tả về Đức Thánh Tản trong hai tác tẩm này cho thấy vị thần cổ của lớp văn hóa Việt Mường đã được Hán hóa, mà cụ thể là Đạo giáo hóa.
Tuy nhiên, qua các truyền thuyết địa phương, ta dễ dàng hình dung Sơn Tinh là một tù trưởng ở khu vực núi Ba Vì, được cho là biết các phép thuật kỳ lạ. Theo truyền thuyết, Sơn Tinh là con rể của Hùng vương thứ 18, chống lại cuộc tấn công của Thủy Tinh (mà Thủy Tinh thực sự là ai thì không rõ), và cũng giúp nước Văn Lang chống lại cuộc tấn công của Thục Phán. Với các chiến tích của Sơn Tinh, ta có thể thấy Sơn Tinh có thể là một vị nhân thần, một anh hùng trong tín ngưỡng của người Việt Mường cổ, hậu duệ của dân cư Văn Lang.
Truyền thuyết ở Thanh Sơn cho biết mẹ của Sơn Tinh tên là Đinh Thị Đen và người dậy phép thuật cho Sơn Tinh là Ma thị hay còn gọi là Mẫu Thượng Ngàn. Đinh là một họ của người Mường di cư từ Gia Viễn, Ninh Bình; còn họ Ma là một họ của người Tày. Có khả năng rằng lớp truyền thuyết này đã được thêm vào khi tín ngưỡng thờ Mẫu lan truyền ở Đại Việt vào thế kỷ 15, đây là khoảng thời gian các sắc dân từ các dân tộc thiểu số đã có sự hòa lẫn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp các tộc Tày, Mường đã sinh sống tại địa bàn Ba Vì và sau đó di dân đi khắp nơi, và Ma thị cùng Định Thị Đen là những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời Sơn Tinh.
Truyền thuyết về Sơn Tinh ở Đền Và (thị xã Sơn Tây) còn cho biết về sự tồn tại của Tản Viên Tam Thánh bao gồm Sơn Tinh – Cao Sơn – Qúy Minh. Nhưng nếu Sơn Tinh chỉ được thờ ở Sơn Tây và Hà Nội thì Cao Sơn được thờ cả một dải từ Sơn Tây đến Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Tại Ninh Bình, Cao Sơn còn được coi là một trong Tứ Trấn Hoa Lư. Qúy Minh cũng có một địa vị quan trọng ở khu vực phía Đông và Đông Bắc kéo từ Thái Nguyên đến Hải Dương, Hưng Yên. Khi tôi nói chuyện với ông từ đình Mông Phụ, ông từ cho biết nghi lễ thờ Sơn Tinh tại đây không thừa nhận hệ thống Tản Viên Tam Thánh. Như vậy, Tản Viên Tam Thánh là một sự tích hợp tín ngưỡng thờ của các dòng di dân từ phía Nam và phía Đông.
Nhiều ghi chép về Sơn Tinh còn cho rằng vị thần này có họ Nguyễn. Trong “Lĩnh Nam chích quái”,”Tản Lĩnh sơn ngọc phả” và “Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam”(Nguyễn Văn Kiêm) đều cho rằng Đức Thánh Tản Viên Sơn Tinh họ Nguyễn. Thế nhưng họ Nguyễn không phải dòng họ của người Việt Mường cổ, mà là dòng họ có nguồn gốc từ hạ lưu sông Trường Giang. Dựa trên vùng hoạt động của các sứ quân họ Nguyễn, đặc biệt là ảnh hưởng của Nguyễn Khoan tại Tam Đái, thì có khả năng việc gán cho Sơn Tinh họ Nguyễn hình thành từ giai đoạn này. Trước đó, lịch sử không nhắc đến nhân vật họ Nguyễn nổi trội nào.
Sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ Sơn Tinh cho thấy mấy điểm sau: 1/Sơn Tinh là một nhân thần chứ không phải lực lượng siêu nhiên. 2/Địa vị của núi thiêng Ba Vì trong văn hóa Việt Mường cổ. Việc lý giải cuộc chiến Sơn Tinh và Thủy Tinh gắn liền với truyền thống đắp đê ngăn lũ là một lý giải khiên cưỡng vì truyền thống đắp đê ngăn lũ chỉ có từ thời các quan đô hộ thời Đường, mà cụ thể là Cao Biền. Trong khi ấy, mối quan hệ giữa Cao Biền và Sơn Tinh lại không “cơm lành canh ngọt” cho lắm, theo “Lĩnh Nam chích quái”, Sơn Tinh (được gọi bằng danh xưng “Đức thánh Tản Viên”) luôn dằn mặt Cao Biền mỗi khi Cao Biền định có các động thái tác động tới đất đai quanh Ba Vì. Như vậy, sự tích Sơn Tinh và Thủy Tinh có thể lý giải rằng đó là cuộc chiến tranh giữa hai bộ tộc, một bộ tộc sông trên núi, một bộ tộc có thói quen sống ở vùng sông nước. Những truyền thuyết Sơn Tinh “đấu pháp” với Cao Biền có thể được lý giải rằng có một sự phản kháng của người dân quanh khu vực Ba Vì chống lại các chính sách quy hoạch của Cao Biền với vai trò quan đô hộ phủ thời Đường.
Đặc tính đạo giáo của Đức Thánh Tản tại Ba Vì bị mờ dần dưới thời Pháp thuộc và trong xã hội Cộng Sản, nhưng qua lời miêu tả Đức Thánh Tản có dáng “tiên phong đạo cốt” như trong Lĩnh Nam Chích quái thì ta có thể thấy rằng tính chất ấy đã từng tồn tại. Hơn nữa, dường như quanh khu vực Ba Vì, sự ảnh hưởng của Đạo giáo là khá phổ biến, các huyền thoại đều cho rằng sự ảnh hưởng này có từ trước khi Cao Biền tới khu vực này.
Khi tôi tìm đọc về khu vực chùa Tây Phương, tôi đã bắt gặp những chi tiết thú vị sau: “ núi Tây Phương cách huyện Thạch Thất ba dặm về phía nam, có tên là Cậu Lậu Sơn, huyện lỵ đóng ở chân núi. Núi Cậu Lậu có giống trâu lặn ở dưới nước ( sông Tích) thường lên bờ chọi nhau khi nào sừng mềm lại xuống nước (sông tích) ”… “ Cát Hồng đời Tấn muốn tìm thuốc đan sa trường sinh, bèn xin làm quan lệnh ở Câu Lâu, sau Cát Hồng luyện được thuốc tiên, vì thế trong thơ Đỗ Phủ có câu: “ Giao Chỉ Đan sa trọng…” ( Nghĩa là: Ở Giao Chỉ có đan sa quý…)”. Đây là đoạn trích từ “Đại Nam nhất thống chí” được đăng tải trên website chính thức của huyện Thạch Thất. Cát Hồng (283–343) là một tác giả tiên đạo nổi tiếng vào thời Tấn, tác giả của “Thần tiên truyện” nổi tiếng, ghi chép lại các tích về Tây Vương Mẫu, Đông Vương Công, Quảng Thành Tử… Địa danh “Thạch Thất” cũng gắn liền với Đạo giáo, các bậc tu tiên cũng thường xuyên ở trong “thạch thất” – tức hang đá, để tu luyện. Trong chương viết về Quảng Thành Tử, Cát Hồng viết như sau:
Quảng Thành Tử là cổ tiên nhân, cư tại núi Không Động, bên trong thạch thất (căn phòng đá). Hoàng Đế nghe vậy thốt nhiên hỏi rằng: “ Dám hỏi tiên sanh cái yếu (chính yếu) của chí đạo là gì?”
Quảng Thành Tử trả lời rằng: “ Ông trị vì Thiên hạ, Mây kia không đợi khi nhiều mới bay, Thảo mộc kia không chờ vàng úa mới rụng, vậy dùng ngôn ngữ đủ để nói đến đạo hay sao?”. (Nguồn: https://thantienvietnam.com/chuyen-than-tien/133-truyen-than-tien-cat-hong-1-than-tien-viet-nam-taoist.html )
Tuy nhiên, những truyền thuyết liên quan đến Câu Lậu sơn không có bằng chứng ghi chép lại rõ ràng từ tác phẩm của Cát Hồng. Vậy nên, cũng không loại trừ trường hợp những truyền thuyết này đã được dựng nên ở các thời kỳ sau, mà khả năng lớn là khi họ Trịnh thiết lập căn cứ Lại Thượng cách đó không xa. Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng cần có một sự tách bạch giữa Sơn Tinh – một vị nhân thần của người bản địa, mà ngày nay được định danh là người Mường, với các mẩu huyền thoại mang nhiều đặc tính Đạo giáo, mà trong đó các vị thần có liên đới như Cao Sơn và Qúy Minh (thường được phối thờ với Sơn Tinh) cũng bị ảnh hưởng.
Tìm hiểu thêm về Tản Viên Sơn Thánh:
Tìm hiểu về Tản Viên Sơn Thánh (1) – Quy ước tên gọi – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)
Tìm hiểu về Tản Viên sơn thánh (2) – Tổng thuật các nghiên cứu về Tản Viên – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)
2.2. Khu vực quanh ngã ba Bạch Hạc
Ngã ba Bạch Hạc là nơi giao hội của 3 con sông: sông Hồng, sông Lô, sông Hát (theo “Sơn Tây tỉnh địa chí” chính là sông Đáy). Nguồn gốc của địa danh Bạch Hạc vẫn còn nhiều tranh cãi, chỉ biết rằng dải đất kéo từ ngã ba Bạch Hạc lên núi Ngũ Lĩnh chính là kinh đô cổ Phong Châu. Như vậy, cũng giống như Ba Vì, thậm chí ở cấp độ sâu rộng hơn, ngã ba Bạch Hạc chịu ảnh hưởng của lớp văn hóa Việt Mường cổ.
Trong “Lĩnh Nam chích quái” có ghi chép về sự tích thần Xương Cuồng tại vùng Bạch Hạc. Theo truyền thuyết thì thần Xương Cuồng vốn là một cây thành tinh, thường biến hóa ăn thịt người. Trong bài nghiên cứu “Cọp, từ Mộc tinh đến ông Ba Mươi”, tác giả Đặng Tiến cho rằng thần Xương Cuồng và thần hổ chính là một. “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ vào thế kỷ 19 không khẳng định điều này nhưng có chỉ ra sự tương đồng giữa tục hiến tế người cho hổ và hiến tế người cho thần Xương Cuồng:
“Làng Ngọc Cục ở huyện ta, khi xưa truyền rằng vẫn thờ yêu hổ phải bắt người làm việc hy sinh để cúng (…) Đó cũng như cái tục Nhâm Ngao tế thần Xương Cuồng vậy. Từ năm Canh Thân 1800 trở về sau thói ấy mới bỏ.”
Cái tên “Xương Cuồng” có thể là tên được đặt ra bởi các nhà Nho biên soạn Lĩnh Nam chích quái sau này. Chữ Xương Cuồng là cách gọi tắt của cụm từ “Bạch Hổ Xương Cuồng” nghĩa là “Hổ trắng gào rống”, một khái niệm xuất hiện trong Kỳ môn độn giáp (theo “Kỳ môn độn giáp bí kíp toàn thư”, tương truyền là thuật Kỳ môn độn giáp của Trương Tử Phòng và Gia Cát Lượng). Tuy nhiên, không thể dễ dàng đồng nhất một tượng trong Kỳ môn độn giáp với tín ngưỡng thờ cây được. Và nếu như quả thực thần Xương Cuồng là đại diện cho tín ngưỡng thờ hổ thì tại sao tác giả Lĩnh Nam Chích quái không gọi thẳng tên thần là Bạch Hổ Xương Cuồng, và “Bạch Hổ” là một khái niệm chỉ phương vị trong phong thủy chứ không phải ám chỉ trực tiếp đến thần hổ. Do đó, tôi chỉ có thể ghi nhân có một sự tích về yêu tinh cây và được đặt tên là Xương Cuồng để đại diện cho sự dữ dằn của loại yêu tinh này. Từ đó cho thấy có dấu vết của tục thờ cây, và tục này gắn với nghi lễ hiến tế người.
Bạch Hạc còn nổi tiếng với đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng ở huyện Phúc Thọ. Tương truyền đây là nơi Hai Bà Trưng nhảy xuống cửa sông Hát tự tử. Hai Bà Trưng là nhân vật lịch sử nhuốm nhiều màu sắc truyền thuyết và gây tranh cãi. Tương truyền, Hai Bà Trưng thuộc nòi giống các vua Hùng, và việc thờ cúng Hai Bà Trưng tại đây cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa Văn Lang ở Bạch Hạc.
Tại Bạch Hạc còn nhắc đến một nữ tướng khác, cũng sống dưới thời Hai Bà Trưng là Quách A Nương, vốn được gọi là nàng A, sau mới thêm họ Quách. Theo truyền thuyết, nàng A đi tu nên còn được gọi là Khâu Ni, tuy nhiên, tích này đã bị Phật giáo hóa ở thời sau rồi, bởi vì trong giai đoạn khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì Phật giáo chưa vào miền bắc Việt Nam.
Một tín ngưỡng điển hình của khu vực Bạch Hạc là tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tam Giang: Thạch Công và Thổ Lệnh. Theo bài nghiên cứu “Tín ngưỡng thờ Bạch Hạc Tam Giang” của Võ Hoàng, ta được biết rằng Thạch Công và Thổ Lệnh là hai anh em quê ở Hoan Châu (tức Nghệ An ngày nay). Ngay từ cái tên của hai vị thần này, ta có thể thấy dấu vết của tín ngưỡng thờ đá thiêng và thờ thần đất. Tín ngưỡng thờ đá có thể bắt nguồn từ Nghệ An, giống trường hợp Cao Sơn. Tên húy của hai vị thần này là Lan và Ngọc cho thấy có thể về bản chất đây là hai vị thần đá và thần cây (ở đây cây được chuyển sang dạng thổ thần). Những tương tác giao đãi giữa hai vị thần này với nhân vật lịch sử lần đầu được nhắc đến là qua các huyền thoại về vua Hậu Lý Nam Đế. Ở thời kỳ này, có khả năng tín ngưỡng cổ đã bị Đạo giáo hóa.
Cũng trong bài viết “Tín ngưỡng thờ Bạch Hạc Tam Giang”, tác giả Võ Hoàng cho biết Đức Thánh Tam Giang đóng vai trò như vị thần trị thủy, giống vai trò của Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh. Đặc biệt Thổ Lệnh còn được coi như một vị dược thần chuyên chữa bệnh cứu người và có xuất xứ từ vùng biển. Tuy nhiên, những giả thuyết này không có nhiều cơ sở về truyền thuyết và dấu vết.
2.3. Khu vực Sài Sơn
Sài Sơn là vùng đất không có nhiều ghi chép và truyền thuyết trước thời Bắc thuộc. Những sự tích ở Sài Sơn chỉ xoay quanh thiền sư Từ Đạo Hạnh và truyền thuyết về sự chuyển thế của ông. Điều này cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo thuộc dòng thiền Tì ni đa lưu chi có nhiều màu sắc Mật tông tại đây.
Trước Từ Đạo Hạnh thì Đỗ Cảnh Thạc là vị nhân thần quan trọng tại đây, vì Sài Sơn được cho rằng là nơi Đỗ Cảnh Thạc và sứ quân của ông ta tử thủ và hi sinh. Trong khu vực Sài Sơn có tất cả 4 địa điểm thờ Đỗ Cảnh Thạc, tuy nhiên, thông tin chi tiết về Đỗ Cảnh Thạc sẽ được đề cập chi tiết hơn ở phần khác.
Trước Đỗ Cảnh Thạc, có lẽ đây là khu vực chịu ảnh hưởng của lớp lịch sử thời Lý Nam Đế. Tại đây có đền thờ Nhã Lang Vương, người con trai của vua Hậu Lý Nam Đế. Câu chuyện về Nhã Lang Vương có phần giống với sự tích Mỵ Châu Trọng Thủy, tôi sẽ đề cập kỹ hơn khi đề cập đến khu vực Đông Anh.
*Lưu ý: Đây chỉ là những ghi chép ngắn của tôi về các vị thần chính thuộc khu vực này. Các vị thần thuộc đạo Mẫu sẽ không được đề cập đến kỹ lưỡng vì lớp thần đạo Mẫu không điển hình và có sự pha tạp phức tạp từ nhiều tín ngưỡng cổ. Hứa hẹn sẽ có một bài lớn về đạo Mẫu trong tương lai
Hà Thủy Nguyên
Đọc thêm:
HỆ THỐNG THỜ CÚNG THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunterclub.com)
Thần quỷ ở Hà Nội (1): Phân vùng (Ghi chép ngắn) – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)