十載倫交求古劍 Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
一生低首拜梅花 Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Kết bạn mười năm cầu thanh gươm cổ; Một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai).
Sách giáo khoa môn văn tiểu học ở ta đều khẳng định đây là câu đối của Cao Bá Quát (1809-1855).
Khoảng 20 năm nay, có người lại cho đây là câu đối của Tri phủ Hán Dương (Hồ Bắc) là Ngải Tuấn Mỹ đề tặng Nguyễn Tư Giản (1823-1890) khi ông này đi sứ Mãn Thanh năm 1868.
“Phát hiện” này làm người có tinh thần tự tôn dân tộc rất bất bình, họ cãi bằng được là chỉ Thánh Quát của ta mới có hào khí bốc trời nhường ấy, thanh cao nhường ấy. Như Hoàng Phủ Ngọc Phan có bài trên tạp chí Sông Hương, đòi “trả lại hào khí cho thanh bảo kiếm của người quốc sĩ và trả lại thanh khí cho loài hoa mai của người nghệ sĩ”[1]. Tôi cho đây là một câu đại ngôn, kiểu cao hứng nói càn.
Cao Bá Quát mà thành bậc quốc sĩ thì ghê thật!


Còn “thanh khí” với hoa mai thì xin thưa, trong số 400 bài thơ chữ Hán còn lại của Cao Bá Quát, chỉ một đôi lần nhắc hoa mai, và cũng chỉ là nhắc thoáng qua thôi. Nếu một đời Quát mà thật sự chỉ cúi đầu trước hoa mai thì hẳn ông đã lấy hiệu là Mai Đường, thay vì Cúc Đường.
Chạm tới tự tôn của người khác quả là không nên, thành thử trong bài viết này, tôi xin nhường câu đối “Thập tải luân giao” kia là do Cao Bá Quát của các vị làm. Bài viết này là nói về một câu đối khác nha nha.
* * *
四海論交求古劍 Tứ hải luận giao cầu cổ kiếm
一生低首拜梅花 Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Giao du bốn bể cầu tìm thanh gươm cổ; Một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai).
Câu này hầu như giống hệt câu trên, chỉ khác là thay vì kết bạn mười năm, đây là kết bạn trong bốn bể. Một đằng lên tới mười, một đằng chỉ có bốn. Nếu chịu tính theo số học thì câu kia cao hơn câu này gấp hai lần rưỡi!
Câu đối dưới cơ tính theo số học này là của một người Tàu, tên là Lâm Bô. Ông này sinh trước Cao Bá Quát đâu khoảng 800 năm.
Lâm Bô 林逋 (968-1028) tự là Quân Phức 君複, tên thụy Hòa Tĩnh 和靖, nên người sau thường gọi Lâm Hòa Tĩnh 林和靖. Là nhà thơ ẩn dật đời Bắc Tống.
Bô vốn dòng thế phiệt, lúc trẻ ngao du suốt một dải Giang Hoài, trung niên lui về Cô Sơn ở Tây Hồ (Hàng Châu, Chiết Giang) ẩn cư. Tính ông điềm đạm, thích cô độc, suốt đời không ra làm quan, cũng chẳng thèm cưới vợ. Chỉ vui với thiên nhiên, cho rằng chỉ cần có hoa mai làm vợ, chim hạc làm con là đủ, đách cần thiên hạ. Từ đó mà Trung Hoa có thành ngữ “Mai thê hạc tử” 梅妻鹤子 dùng để chỉ cốt cách thanh cao[2].
Thơ ông còn lưu lại Lâm Hòa Tĩnh tập 林和靖集, gồm 4 quyển, 299 bài. Trong đó Bô đặc tả hoa mai nhập thần, đến Tô Đông Pha cũng phải kính ngưỡng.
Câu đối “Tứ hải luận giao” của ông được học giả cuối đời Minh là Tang Thế Xương 桑世昌 chép trong Lâm Bô truyện 林逋傳. Có thể nói một đời Bô đã sống đúng tinh thần câu đối của mình.
* * *
Câu “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” của Lâm Bô gần như thành một thành ngữ của Trung Hoa, người Tàu từ nhỏ đã được học.
Cho nên nếu là người Việt thì các vị cứ tự hào về chí khí và cốt cách của Cao Bá Quát trong câu đối “Thập tải” kia, nhưng nếu gặp người Tàu thì giùm ơn đừng khoe nó ra.
Lêu lêu!
_________
[1] Lại bàn về chuyện ai là người “Một đời cúi đầu bái hoa mai”? (Tạp chí Sông Hương – Số 324 (tháng 2 năm 2016).http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c347/n22480/Lai-ban-ve-chuyen-ai-la-nguoi-Mot-doi-cui-dau-bai-hoa-mai.html?fbclid=IwAR0GcPzQLRuPjUTH6B3P2fMcpWgTEPec7AISKGycmelbS8fLUI-T7yIpdDk
[2] Thơ Nguyễn Du:Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.
Tác giả: Vinhhuy Le
#Chuyện_chữ_nghĩa