Người biết Đạo thì không vui

Phản biện bài viết “Niềm vui hiểu Đạo” của Ooker.

Tôi vốn có một niềm hứng thú đặc biệt với tư tưởng Đạo gia
và luôn cố tách bạch tư tưởng này với hệ thống Đạo giáo vốn pha tạp nhiều tín
ngưỡng cổ quái của các giáo phái phù thủy ở Trung Quốc cổ đại. Nhưng tôi không
muốn viết bài về tư tưởng Đạo gia, bởi vì tôi vẫn thấy rằng diễn giải lại dòng
diễn giải của những nhà tư tưởng bàn về Đạo thì thật không đúng. Càng bàn sẽ
càng sai, càng bàn sẽ càng đi vào ngõ cụt, mà suy cho cùng, Đạo không phải thứ
để đem bàn ra tán vào, và vốn chẳng thể diễn giải bằng lời.

Video tôi nói chuyện về sự phân biệt giữa Đạo gia và Đạo giáo

Động lực để tôi viết bài này, là vì đọc bài viết “Niềm vui hiểu Đạo” của Ooker đăng trên FoxStudy. Bài viết trích dẫn nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu Đạo gia phương Tây xen kẽ với vài câu từ hai trước tác Đạo gia quan trọng là “Đạo đức kinh” của Lão Tử và “Nam hoa kinh” của Trang Tử, nhằm mục đích chứng minh rằng tư tưởng Đạo gia không đề cao sự hiểu biết.  Tôi cho rằng, tác giả bài viết đã không thực sự đọc tư tưởng của Đạo gia.

Tại sao lại nói Ooker không thực sự đọc?

  • Vì tác giả đọc tác phẩm qua lăng kính của người khác, không đọc kỹ lưỡng nội dung của cuốn sách.
  • Vì tác giả đọc không hết ý của Lão Tử, Trang Tử được lưu lại trong hai tác phẩm này. Những trích dẫn thường bị tách ra khỏi văn cảnh.
  • Vì tác giả không nắm được bối cảnh xã hội, đời sống văn hóa, thói quen ngôn ngữ của Lão Tử và Trang Tử, nên hiểu sai quan điểm của Đạo gia về kiến thức và sự hiểu biết.

Vậy Đạo gia nói gì về sự hiểu biết?

Khái niệm quan trọng nhất cần phải nắm bắt trước khi đọc hiểu
các lời bàn trong tư tưởng Đạo gia, đó là “Đạo”. Đây là khái niệm cốt yếu,
nhưng lại không thể giải thích.

Lão Tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo/ Danh khả danh phi thường danh”, có thể hiểu là “Đạo có thể diễn tả được thì không phải thứ đạo vĩnh cửu, tên mà có thể gọi được thì chẳng phải cái tên bất biến”. Điều này có nghĩa là “Đạo” chẳng như ta hiểu, cũng thứ mà chúng ta gọi là “Đạo” thì không hề cố định để ám chỉ nội hàm ý nghĩa của từ “Đạo”. Nhưng ta có thể hiểu một cách sơ  lược rằng “Đạo” có nghĩa là thứ chi phối vạn vật và sự vận hành của vạn vật, về căn bản gần với các khái niệm như “logos” trong triết học phương Tây. Đối với những đầu óc sơ khai của người dân thượng cổ, “Đạo” hay “logos” sẽ được biểu hiện bằng Đấng Sáng Thế hay Chúa và gắn với một nhân hình có thể hình dung. Đối với các nhà khoa học và triết học hiện đại, thì “Đạo” như thể là bản chất của thực tại hay những quy luật chi phối thực tại. Bản thể luận (ontology) là khuynh hướng chuyên nghiên cứu vấn đề này.

Video bàn luận về “Đạo đức kinh” của Lão Tử do Lê Duy Nam trình bày.

Khi tiếp cận các chủ điểm mà bản thể luận được đặt ra, người
đọc – mà tôi ở trong số ấy – sẽ phải đối diện với một thế giới mà trong ấy không
có gì là thực, không có gì là ảo, không có gì là đúng, không có gì là sai. Các
nhà triết học và khoa học luôn phải chấp nhận rằng cái hiểu của họ về bản chất
thực tại, thứ mà họ tưởng là quy luật chi phối thực tại thì hóa ra sẽ bị đổ vỡ khi
phạm vi khảo sát rộng hơn. Đây không phải lỗi của khoa học và triết học, đây là
do hạn chế của cách ta chứng kiến và quan sát thế giới, coi thực tại như một thể
tách biệt với cá nhân chúng ta. Và làm sao ta có thể chắc chắn rằng ta hiểu rõ đối
tượng bên ngoài khi ta vẫn không phải là đối tượng ấy. Vấn đề này đã được Trang
Tử đặt ra khi trao đổi với Huệ Tử về con cá. Đây là một đoạn luận kinh điển về
nhận thức luận:

Trang tử cùng Huệ- tử đứng chơi trên cầu hào thành. Trang tử nói: “Cá xanh, bơi lội thung dung. Cá vui đó.”

Huệ- tử nói: “Ông không phải là cá, sao biết cá vui?”

Trang tử nói: “Ông không phải tôi, sao biết tôi không biết!”

Huệ- tử nói: “Tôi không phải ông, nên không thể biết được ông, còn ông không phải cá, ông cũng không sao biết được cái vui của cá.”

Trang tử nói: “Xin xét lại câu hỏi đầu. Ông hỏi tôi làm sao biết được cá vui? Đã biết là tôi biết, ông mới có hỏi ‘làm sao mà biết’… Thì đây, làm thế nầy: tôi đứng trên hào thành mà biết được”

(Trích chương “Thu thủy”, sách “Nam Hoa Kinh”, bản của  Thu Giang Nguyễn Duy Cần)

Một trong các ý nghĩa của đoạn đối thoại này, có thể chính là
chúng ta không thể thấu rõ được đối tượng bên ngoài ta. Để hiểu biết được đối
tượng ấy cần một cách tiếp cận khác.

Cách tiếp cận này rất đơn giản: Thay vì coi thực tại là khách
quan thì ý thức thu lại vào nội tại của người quan sát. Phương pháp này là mấu
chốt của đoạn luận không ít lần bị hiểu lầm rằng Lão Tử đề xướng từ bỏ sự hiểu
biết:

Ngũ sắc lệnh nhân mục manh

Ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung

Ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng

Trì sính điền liệp, lệnh nhân tâm phát cuồng

Nam đắc chi hóa, lệnh nhân hành phương.

Thị dĩ thánh nhân vị phúc bất vị mục

Cố khử bỉ thủ thử.

Dịch nghĩa:

Năm màu khiến mắt người mờ, năm thanh khiến tai nhức nhối, năm vị khiến miệng người lẫn lộn.   Thúc ngựa săn bắn khiến tâm người cuồng loạn. Của báu khó tìm khiến lòng người sa đọa. Vậy nên thánh nhân cần no đủ chứ không cần vừa mắt. Bỏ cái xa xỉ để giữ cái thực dụng.

Chương này vốn không bàn về sự chối bỏ hiểu biết mà để ám chỉ
rằng “nhân tâm” là thứ chịu tác động của ngoại vật, trong đó có năm màu, năm sắc,
năm vị… Khi con người tiếp nhận thế giới khách quan, thì thế giới khách quan ấy
chỉ phản chiếu vào tâm trí, và tâm trí ấy có thể dễ dàng bị đánh lừa. Thánh nhân
là người không chọn lệ thuộc vào sự tác động của bên ngoài vào tâm trí, mà chọn
tính thực dụng, mà “no bụng” đóng vai trò như một biểu tượng.

Toàn bộ đoạn luận này nằm trong một thể thống nhất trong những
lời bàn về việc tâm trí bị che mờ và thánh nhân cần có tâm tĩnh lặng, mà bước căn
bản để đạt được sự hiểu biết về đạo đó là: hồn phách hợp nhất (tải doanh phách
bão nhất), khí tụ lại mềm mại (chuyên khí chí nhu), loại bỏ những điều huyễn hoặc
(địch trừ huyền lãm). Đây là một phần của pháp tu theo lối vô vi. Hạn chế mọi tác
động của bên ngoài vào bản thân và hạn chế bản thân tác động ra bên ngoài, bởi
trong sự tác động thì tâm trí bấn loạn bởi các dòng suy nghĩ tới mức chẳng thể
thấu rõ vạn vật, mà tiếp nhận vạn vật qua các phản chiếu và thậm chí là khúc xạ
của các suy nghĩ. Nếu nói rằng Đạo gia không đề cao hiểu biết thì quả thực sai
lầm, bởi vì không những Đạo gia có nhu cầu hiểu biết thông thường mà còn có nhu
cầu hiểu biết một cách thấu triệt.

Chương “Thu thủy” trong Nam Hoa Kinh được Trang Tử triển
khai nhiều hơn về vấn đề hiểu biết thế giới. Mở đầu chương “Thu thủy” là đoạn
luận giải về sự hiểu biết thông qua đối thoại của Hà Bá và thần Bắc Hải:

Nước thu dâng, trăm rạch đổ vào sông to. Lòng sông rộng cho đến đứng bờ nọ ngóng bờ kia không sao phân biệt được bò với ngựa.

Thấy vậy, Hà Bá đắc ý cho cái đẹp trong thiên hạ chưa còn ai hơn mình. Thuận dòng theo hướng Đông đi tới biển Bắc ngoảnh lại hướng Đông, không thấy mé.

Hà Bá mới than với Hải Thần:

“Tục ngữ có câu: Kẻ biết ít cho không ai bằng mình. Lời nói ấy, để nói tôi là phải. Tôi thường nghe chê chỗ thiếu học của Trọng Ni, nghe khinh cái lòng Nghĩa của Bá Di mà tôi không tin. Nay thấy chỗ vô cùng của Ngài, nếu tôi không đến cửa Ngài mà thị giáo, các nhà đại phương ắt sẽ chê cười tôi”

Thần Bắc Hải nói:

“Cùng ếch giếng không thể nói biển đặng: Nó chỉ biết có cái hang nó mà thôi. Cùng côn trùng mùa hạ, không thể nói băng tuyết đặng: Nó chỉ biết có cái mùa của nó mà thôi! Cùng bọn khúc sĩ không thể nói Đạo đặng họ bị trói buộc trong giáo lý của họ. Nay ông ra khỏi lòng sông, thấy biển cả mà biết xấu hổ. Vậy thì, nói đạo lý với ông được.

Dưới trời, nước không đâu nhiều hơn biển. Đó là nơi muôn sông chảy về, không biết bao giờ thôi, mà không hề đầy, rồi nước biển lại chảy vào các sông không biết bao giờ ngưng mà không hề vơi. Xuân, Thu chẳng biến đổi nó, mà thủy hạn nó cũng chẳng cần biết đến làm gì. Hơn rạch sông không biết lượng số nào mà kể, mà ta chưa từng cậy đó là nhiều, là vì tự sánh với Trời Đất, Âm Dương, thì ta có khác nào một viên đá nhỏ, một gốc cây gầy trong dãy núi to. Đã rằng là ít, sao thấy mình nhiều? Bốn biển ở trong Trời Đất phải chăng cũng chỉ là những hang nhỏ ở trong đầm lớn hay sao? Trung Quốc nằm trong bốn biển cũng chẳng giống hạt lúa ở trong kho lớn hay sao? Vạn vật, lấy số muôn mà nói, thì người chỉ được một số mà thôi! Lấy chín châu, nơi lúa thóc sinh sản toàn xe thông hành, thì người cũng không qua số một. Vậy, người đối với vạn vật, khác nào một sợi lông trên mình ngựa. Chỗ liên hiệp của Ngũ Đế, chỗ tranh giành của Tam Hoàng, chỗ lo lắng của người nhân, chỗ nhọc nhằn của kẻ sĩ, rốt lại có gì! Bá Di từ ngôi, lấy đó là danh, Trọng Ni nói ra, gọi đó là rộng. Những cái mà họ cho rằng nhiều đó, thì có khác nào người trước khi thấy biển, cho rằng nước của mình là nhiều vậy”

Hà Bá nói:

“Vậy, tôi cho Trời Đất là cực đại, mảy lông là cực tiểu, được không?”

Thần Bắc Hải nói:

“Không được! Kìa như muôn vật biến hóa không cùng, thời gian đi mãi không dừng, số phận dời đổi không thường, trước sau liên tiếp không thôi. Ấy nên bậc đại trí xét việc xa gần, thấy nhỏ không cho là ít, thấy lớn không cho là nhiều, đó là biết được chỗ biến vô cùng. Luận qua kim cổ, thì việc đã qua không ưu tư, việc đương thời không bận lòng: Đó là biết được chỗ không dừng của thời giờ. Xét việc lưng vơi, thì được không vui, mất không buồn: Đó là biết được chỗ thông thường của số phận. Thầy đặng như vậy thì sống không mừng, chết không lo: Đó là biết được chỗ trước sau liên tiếp không ngừng vậy. Chỗ biết của người, không bằng chỗ họ không biết. Thuở sinh ra không bằng thuở chưa sinh. Muốn lấy chỗ cực tiểu của mình mà cần hiểu tận chỗ cực đại, là mê loạn, là ngu xuẩn. Như thế, làm sao biết được cái lông đủ để làm mẫu của cái cực tiểu, làm sao biết Trời Đất đủ để làm cái mẫu của cái cực đại?”…

(Trích chương “Thu thủy”, sách “Nam Hoa Kinh”, bản của  Thu Giang Nguyễn Duy Cần)

Đoạn biền ngẫu lôi cuốn đầy tương phản này rốt cuộc để nhấn mạnh ý nghĩa rằng sự hiểu biết của con người không hề cố định và không có giới hạn. Ta càng đi ra ngoài định kiến, ra khỏi vòng hiểu biết quen thuộc và chật hẹp của chúng ta, ta lại thấy trời cao bể rộng không thể thấu hết. Vậy nên, Trang Tử mượn lời thần Bắc Hải mà khẳng định: “Chỗ biết của người, không bằng chỗ họ không biết.” (Tương đồng với nhận định của Newton: “Điều chúng ta biết chỉ như giọt nước, điều chúng ta không biết là cả một đại dương”). Vậy thì làm sao để hiểu biết điều ta không biết?

Trang Tử khẳng định, một cách rất đơn giản, thay đổi phương
tiện của hiểu biết:

“Tự nhỏ mà xem lớn, làm sao thấy hết được! Tự lớn mà nhìn nhỏ, làm sao thấy rõ rệt được! Tinh, là cái nhỏ thật nhỏ, thật lớn là cái lớn rất lớn vậy. Cho nên, phương tiện dùng phải khác nhau. Tinh và thô là để nói về những vật hữu hình: Còn vật vô hình thì con số không phân chia được nữa. Không thể bao gồm được, là vật vô cùng mà con số không hạn định được. Cái mà còn luận được, nói được, là cái thô của vật. Cái mà ý xét được, là cái tinh của vật. Nhưng còn cái mà lời không thể luận, ý không thể xét, là bởi nó không phải tinh mà cũng không phải thô.”

(Trích chương “Thu thủy”, sách “Nam Hoa Kinh”, bản của  Thu Giang Nguyễn Duy Cần)

Phạm vi của đối tượng mở rộng, nhưng hệ quy chiếu và phương
tiện của người quan sát không mở rộng thì người quan sát không thể hiểu được.
Người ta không thể dùng ống nhòm để thấy các trận bão trên sao Mộc, và không thể
dung kính thiên văn để quan sát các hạt notron vậy.

Video bài nói chuyện của tôi về “Nam Hoa kinh” của Trang Tử

Đến đây, ta có thể thấy rằng, quan điểm khẳng định tư tưởng Đạo
gia không coi trọng kiến thức là một sai lầm trầm trọng. Bởi vì không những Đạo
gia rất coi trọng sự hiểu biết mà sự hiểu biết – cách con người tiếp nhận thế
giới là một trong các chủ điểm mấu chốt nhất của học phái này.  Tuy nhiên, tư tưởng Đạo gia không coi trọng cái
biết vụn vặt, mà đề cao người “đại trí”, tức là người biết “Đạo”, tức biết bản
chất của thực tại – cũng là đối tượng nghiên cứu quan trọng của khoa học phương
Tây.

Bây giờ chúng ta hãy cùng quay trở về với tiêu đề của bài viết
này: “Người biết Đạo thì không vui”. Tiêu đề này đi ngược lại cụm từ “niềm vui
hiểu Đạo”. Niềm vui, hạnh phúc, phúc lạc… thường được những người tu luyện lựa
chọn như một dấu hiệu nhận biết người “hiểu Đạo”. Nhưng Lão Tử và Trang Tử đều
không mô tả người thấu được Đạo là những kẻ vui vẻ. Họ tĩnh lặng.

Lão Tử viết:

“Cổ chi thiện vi sĩ giả, vi diệu huyền thông

Thâm bất khả thức, phù duy bất khả thức

Cố cưỡng vi chi dung

Dự yên hược đông thiệp xuyên, do hề nhược úy tứ lân, nghiêm hề kỳ nhược khách

Hoán hề nhượng bang chi tương thích

Đôn hề kỳ nhược phác, khoáng hề kỳ nhược cốc

Hỗn hề kỳ nhược trọc

Thục năng trọc dĩ chỉ, tịnh chi từ thanh

Thục năng an dĩ cửu, đông chi từ sinh

Bảo thử Đạo giả bất dục doanh

Phù duy bất doanh, cố năng tế nhi tân thành

Dịch nghĩa:

Người đắc đạo xưa huyền diệu, tinh tế và sâu sắc không thể biết được. Vì chẳng thể biết được nên có thể tạm miêu tả họ như thế này. Họ cẩn trọng như người lội sông vào mùa đông. Họ do dự như sợ láng giếng bốn bên, nghiêm túc như đối đãi với khách, nhẹ như băng tan, mộc mạc như gỗ chưa bị đẽo gọt, trống không như hang núi, hỗn độn như nước đục. Ồ, nhờ tĩnh mà đục dần trong. Ồ, tĩnh nhờ động mà sinh. Người giữ Đạo không muốn thỏa mãn vì thế nên không bị sự thỏa mãn che lấp mình, vì thế luôn thấy những điều mới.

Còn Trang Tử thì mô tả người tu đạo “hình hài như cây khô, lòng thì như tro lạnh”.

“Hoàng Đế nội kinh”, một cuốn sách của Đạo giáo trường phái Hoàng Lão cũng khẳng định người hiểu Đạo là “điềm đạm hư vô”.

Trạng thái “niềm vui hiểu đạo” là trạng thái chẳng biết gì về
đạo mà vẫn tưởng rằng mình hiểu đạo vậy!

Ooker có trích dẫn nhiều chỉ trích của học giả phương Tây về
tư tưởng Lão Trang. Tôi có thể hiểu được tại sao nhiều học giả phương Tây lại
phẫn nộ như vậy trước tư tưởng Lão Trang, bởi vì như thể họ phải đối mặt với thực
tế rằng họ như những kẻ đang tìm kiếm hư vô, đang “vẫy vào vô tận”. Tiếc rằng,
thay vì họ tìm cách thay đổi phương tiện để hiểu hơn về hư vô, thì họ lại đóng
cửa nhận thức của mình và bài trừ tư tưởng Đạo gia, chẳng khác nào như con ếch
ngồi đáy giếng vẫn cứ tưởng giếng của mình là bầu trời.

Đương nhiên, tiếp cận tư tưởng Đạo gia nói riêng và tư tưởng Trung Quốc cổ đại không hề dễ. Khó khăn đầu tiên là dịch thuật. Dịch từ ngôn ngữ tượng hình trừu tượng sang ngôn ngữ tượng thanh liền mạch gây ra sự sai lệch không ít về ngữ nghĩa. Thêm nữa, Lão Trang luận bàn về tư tưởng bằng lối văn phong nhiều ẩn dụ (đặc biệt là Trang Tử), thế nên nếu không phân định rõ từng khái niệm mà hai ông đề cập đến thì không thể hiểu chính xác điều họ muốn nói, mà chỉ hiểu được nghĩa bề mặt đã bị diễn giải theo quan điểm của người đương đại.  Từ cái đọc sai lệch này dễ dẫn đến đánh giá cực đoan, một chiều (dù theo thiên hướng tôn sùng hay bài trừ).

Hà Thủy Nguyên

Em cám ơn chị đã dành thời gian và công sức. Trước khi trả lời em sẽ tóm tắt lại ý của hai bài.

Phản biện của chị như sau:

Em không hiểu ý Đạo gia về tầm quan trọng của kiến thức

Em không biết là Đạo gia không cho rằng người hiểu Đạo sẽ vui

Các tác giả phương Tây chỉ trích tư tưởng Lão Trang vì “quê”

Còn bài của em nói về những ý sau:

Sự biến đổi nghĩa của từ trong cách Đạo gia lập luận

Các hiện tượng trong tâm lý học nhận thức liên quan tới quan niệm của Đạo gia khi nói về kiến thức

Sự chê cười không đúng lúc của Trang Tử

Phản ứng phù hợp khi bị Trang Tử chê bai

Em sẽ trả lời các phản biện của chị:

Em không hiểu ý Đạo gia về tầm quan trọng của kiến thức

Chị nói:

Nếu nói rằng Đạo gia không đề cao hiểu biết thì quả thực sai lầm, bởi vì không những Đạo gia có nhu cầu hiểu biết thông thường mà còn có nhu cầu hiểu biết một cách thấu triệt

Em nói:

Đạo gia thường không đề cao kiến thức, vì cho rằng nó làm ta mù mắt, mù tai. Thật ra tôi nghĩ nó lại rất đề cao hiểu biết […]

Em thấy hai cách nói này đều tương đồng nhau, nên vẫn chưa thấy là em sai chỗ nào. Cái “kiến thức trước khi học” và “kiến thức sau khi học” trong ý em thì tương tự với “hiểu biết thông thường” và “hiểu biết thấu triệt” trong ý chị.

Có lẽ em nên sửa câu này thành “cách đặt vấn đề của Đạo gia làm ta có cảm tưởng rằng nó không đề cao kiến thức…”. Không biết chị thấy nó thế nào?

Em không biết là Đạo gia không cho rằng người hiểu Đạo sẽ vui

Chị nói:

Nhưng Lão Tử và Trang Tử đều không mô tả người thấu được Đạo là những kẻ vui vẻ. Họ tĩnh lặng.

Cái em vui là thế này:

Có hình thể con người cũng đủ cho ta mừng rồi. Mà hình thể con người chỉ là một hình thức của hàng vạn sự biến hoá của vũ trụ. Vậy thì ngắm những biến hoá vô cùng của vũ trụ còn thích đến đâu! (Đại tôn sư 1)

Cách Trang Tử tiêu dao bằng việc sử dụng nhiều ẩn dụ để đưa người đọc đi từ góc nhìn này sang góc nhìn khác, em cho đó là vui vậy.

Chị nói:

Trạng thái “niềm vui hiểu đạo” là trạng thái chẳng biết gì về đạo mà vẫn tưởng rằng mình hiểu đạo vậy!

Thật ra em cảm giác Đạo có thể giải thích được: đó là sự kết hợp giữa sự biến đổi nghĩa của từ (một hiện tượng ngôn ngữ học), trí nhớ ngắn hạn và sự chú ý (một hiện tượng tâm lý học nhận thức), và dao động tử điều hòa (một hiện tượng bản thể luận – vật lý). Chỉ là ngày xưa khoa học chưa phát triển nên mới không có cách nào giải thích nó.

Tất cả những gì em viết trong blog cũng là để làm rõ hơn ý tưởng của mình. Nếu ai cho rằng Đạo không thể giải thích được, em mời họ tìm hiểu về những khái niệm này, rồi sẽ cùng bàn luận.

Các tác giả phương Tây chỉ trích tư tưởng Lão Trang vì “quê”

Tôi có thể hiểu được tại sao nhiều học giả phương Tây lại phẫn nộ như vậy trước tư tưởng Lão Trang, bởi vì như thể họ phải đối mặt với thực tế rằng họ như những kẻ đang tìm kiếm hư vô, đang “vẫy vào vô tận”.

Em không cho là họ đang phẫn nộ, mà thấy đang nói với sự trìu mến thì đúng hơn. Ít nhất là đối với những tác giả em đọc. Em không thể tưởng tượng nổi tại sao họ lại phải bỏ công tìm hiểu thứ họ thấy phẫn nộ và nhảm nhí. Nhiều người trong số họ là gốc Trung Quốc.

Tôi cũng đồng ý với bài phản biện rằng người hiểu đạo thì không vui, cũng chẳng buồn, chỉ còn lại sự tĩnh lặng. Tôi có đọc bài viết của bạn Ooker mà khả năng của tôi hạn hẹp không viết được một bài phản biện chất lượng như của bạn Hà Thủy Nguyên. Đọc thêm comment của Ooker lại tiếp tục thấy cách hiểu về Đạo của bạn rằng “Đạo có thể hiểu được” (và qua việc bạn dẫn ra cả ngôn ngữ học, rồi vật lý) là khá ngây thơ, bạn nên học cách đọc trực tiếp hơn và cả thực hành nữa (Đạo coi trọng sự thực hành sống hơn là cái danh, hay là ngôn từ như bạn nói) thay vì chỉ nghiên cứu qua các tác phẩm của các học giả phương Tây. Chân thành mà nói, ai trải qua quá trình tiếp cận với Đạo cũng đều có khả năng bị mắc kẹt lại giống như bạn bây giờ vậy, tưởng rằng mình đã hiểu nhưng thực sự lại chẳng hiểu gì. Bản thân tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn giống như thế, chăm chú bám víu vào cái tri thức (nếu bạn thích trích dẫn học giả phương Tây) mà Alan Watts gọi là “conventional knowledge”, còn những thứ như Đạo – “absolute truth” – thì không sao với tới được. Và như Lão Trang đã dạy, thì thứ trí huệ như thế tất cả chúng ta cũng đừng mong với tới. Biết có Đạo ở đó, biết nó vận động như thế, và hiểu rằng nó cứ thế trôi tuột đi như làn nước đã là một loại trí huệ rồi. Nếu có thể thì loại trí huệ phù hợp nhất dành cho loài người là hãy biết mình, và hãy biết rằng mình thực ra chẳng biết gì cả, rồi lấy nhận thức căn bản đó làm động lực để truy cầu tiếp sự hiểu biết thực sự. Điều này nhiều vị cũng đã nói ra, nếu bạn có thực sự nghiên cứu chắc cũng biết thừa.
Cuối cùng comment của tôi không phải là một dạng phê phán trên bình diện tri thức. Bản thân trên thế giới này có được những người luôn mang trong mình ham muốn hiểu biết về những sự thật đã là một điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng rồi. Chúc bạn niềm vui và ngày càng tinh tiến!

cám ơn bạn đã trả lời. Thật ra như mình có nói, muốn hiểu được ý mình thì cũng phải có hiểu được những vấn đề đó (sự biến đổi nghĩa của từ, quá trình chú ý và ghi nhớ, v.v.). Những thứ đó chính là những thứ bạn đang phê phán là mình chưa thực sự hiểu. Nếu bạn chưa hiểu được chúng, thì mình nghĩ chúng ta không có gì để nói nữa.

Nếu Đạo có thể diễn đạt ra như bạn viết (“đó là sự kết hợp giữa sự biến đổi nghĩa của từ (một hiện tượng ngôn ngữ học), trí nhớ ngắn hạn và sự chú ý (một hiện tượng tâm lý học nhận thức), và dao động tử điều hòa (một hiện tượng bản thể luận – vật lý). Chỉ là ngày xưa khoa học chưa phát triển nên mới không có cách nào giải thích nó.”) thì Đạo đã chẳng còn là Đạo nữa… Chúc vui! 🙂

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *