Ngày nay, ghé Hội An, người ta thường cảm nhận đây là cổ trấn an bình, tách biệt phồn hoa; ít ai ngờ Hội An từng là thương cảng quan trọng, nơi tàu buôn tứ xứ tụ về. Bài viết này không nhằm quảng bá du lịch, chỉ là kể lại quá trình hưng phế biến thiên để có được một di sản thế giới ngày nay.

- Tài liệu tham khảo:
- Mậu dịch, di dân và giao lưu văn hóa: người Quảng Đông và người Việt Nam thế kỷ 15-17 貿易,移植與文化交流: 15-17世紀廣東人與越南人. Luận văn của Lý Khánh Tân 李慶新, Hội nghị Hợp tác các tổ chức quốc tế Nghiên cứu và Bảo tàng văn hiến người Tàu hải ngoại – lần II, Đại học Trung văn Hong Kong (The Chinese University of Hong Kong – CUHK), 2003.
- Cambridge History of Southeast Asia. Nicholas Tallinn (chủ biên). Bản dịch Hoa ngữ: Kiếm Kiều Đông Nam Á sử 劍橋東南亞史, Nxb Nhân dân Vân Nam 2003.
- Tiến trình di thực và những thay đổi của các khu định cư người Tàu ở Việt Nam: Lấy Hội An làm thí dụ 華人聚落在越南土地上的深植與變遷:以會安為例. Huỳnh Lan Tường 黃蘭翔, Diễn đàn Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, số 26, 2004.
- Nghiên cứu lịch sử quan hệ và mậu dịch ở biển Đông 瀕海之地—南海貿易與中外關係史研究. Lý Khánh Tân 李慶新, Trung Hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh 2010.
- Tương đồng và khác biệt giữa người Minh Hương ở Việt Nam với cộng đồng di dân Trung Hoa 越南的明鄉人與華人移民的族群認同與本土化差異. Tưởng Vi Văn 蔣為文, Chuyên san Nghiên cứu Quốc tế – Đài Loan, số 4-2013.

1- VƯƠN LÊN TỪ ĐỐNG TRO TÀN
Sông Thu Bồn bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh (Kon Tum) xuôi xuống, đổ ra biển tại cửa Đại, khiến văn minh Champa hội tụ nơi này, thành cổ trấn Hội An ngày nay.
Hơn 2300 năm trước, vùng Quảng Nam đã có vết tích người Chăm. Đến giữa thế kỷ thứ VII, khi Champa được gọi Chiêm Thành, Quảng Nam là nơi đặt kinh đô Indrapura lừng lẫy (sử Tàu gọi Lâm Ấp phố 林邑浦), thì vùng Hội An cũng thành thương khẩu quan trọng ở Đông Nam Á. Đến cuối thế kỷ X, Indrapura bị Việt tộc san bằng, hải cảng Hội An cũng thành hoang phế.
Hội An từ đó ngủ một giấc dài, hơn cả quãng thời gian Tôn đại thánh chịu kiếp nạn lửa đốt băng đông ở núi Ngũ Hành.

Cho đến cuộc Nam-Bắc phân tranh lần thứ nhất vào thế kỷ XVI. Năm 1527, Mạc Đăng Doanh soán ngôi Hậu Lê. Hai chúa Trịnh, Nguyễn bất phục vương triều Mạc, mỗi nhà cát cứ đất riêng để tranh hùng. Kịp khi Mạc tiêu vong thì Trịnh-Nguyễn cũng chồng chất oán thù, đánh nhau triền miên khói lửa.
Thuở đó, về cả nhân đinh, tài nguyên, lẫn vật lực, chúa Nguyễn đều có phần kém thế, tưởng khó bề đương cự với thế lực họ Trịnh. Vì tồn vong chính mình, Nguyễn buộc phải trọng dụng nhân tài, phát triển mậu dịch, hầu khuếch trương thanh thế. Chính trong bối cảnh ấy, Hội An được Nguyễn ghé mắt xanh, chọn làm nơi giao thương sắm sửa quân nhu. Thương cảng Hội An vậy là tái phục, những cánh buồm khắp bốn phương lại xuôi ngược vào ra Thu Bồn. Có thể nói Hội An là nhân tố chính làm nên “Quảng Nam quốc” cho chúa Nguyễn.
Vì chiến tranh mà Indrapura bị chôn vùi; và cũng nhờ chiến tranh, Hội An sống lại. Có địa thế trời cho ngay nút thông thương trên biển, tàu thuyền Trung Hoa, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á tìm tới Hội An neo đậu san sát. Lần hồi người Âu châu cũng biết tiếng “Faifo” mà nối gót. Tới thế kỷ XVI, Hội An đã thành thương cảng sầm uất, một trạm quan trọng của “Con đường tơ lụa trên biển”.
2- LAI VIỄN KIỀU VÀ CHÂU ẤN THUYỀN
Trung tâm Hội An thuở ấy là khu vực đường Cường Để (Trần Phú bây giờ), hầu hết kiến trúc lịch sử của Hội An tập trung ở tuyến đường này. Và nói tới kiến trúc cổ Hội An, không thể bỏ qua Lai Viễn kiều.
Lai Viễn kiều 來遠橋 được người địa phương gọi “Chùa Cầu”, còn có tên là Nhật Bản kiều 日本橋, do thương nhân Nhật xây cất. Ở đầu cầu phía Đông đặt hai tượng chó, đầu cầu phía Tây hai tượng khỉ, làm biểu tượng trấn yểm công trình[1]. Lai Viễn kiều được tôn tạo nhiều lần, hình dạng từ sau lần trùng tu năm 1763 được giữ nguyên đến giờ.

Cuối thế kỷ XVI, hai đầu Lai Viễn kiều là hai khu chợ, của người Nhật và người Tàu. Do đâu những khách phương xa đó lại băng vượt tít tắp trùng dương tới lập nghiệp ở góc trời Nam?
Chuyện này liên quan đến giai đoạn “hải cấm” của nhà Minh trước đó. Lúc bấy giờ, hai nhà nước Tàu-Nhật liên thủ chống buôn lậu trên biển. Năm 1567, nhà Minh đặt Nguyệt Cảng (thuộc Chương Châu, Phước Kiến) làm điểm ngoại thương. Cùng lúc đó, lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi cũng dẹp xong nội chiến ở Nhật, mở ra thời kỳ Momoyama. Ông này nhìn ra được mối lợi do giao thương mang lại, nên vào năm 1592, đã định ra quy chế “Châu ấn thuyền”, kiểm soát các tàu buôn. Sau này, quan hệ mậu dịch giữa hai nhà nước Trung-Nhật tuy gián đoạn, Nguyệt Cảng cũng bị đóng, nhưng thương nhân hai nước vẫn tiếp tục giao dịch ở các cảng trong vùng Đông Nam Á như Hội An, Manila…

● Thương cảng trọng yếu.
★ màu lục: Làng mạc an cư của người Nhật.
★ màu đỏ: Nơi người Nhật quần tụ.
Hàng năm, từ tháng Giêng tới tháng Ba, gió mùa Đông Bắc thổi, các tàu buôn Nhật đã được cấp phép (Châu ấn thuyền) lại giương buồm ra biển. Từ 1604-1635, trung bình mỗi năm có 10 Châu ấn thuyền cập cảng Hội An (hành trình từ Nagasaki đến Hội An mất chừng 40 ngày). Ở cửa Đại của Thu Bồn thuở đó, từ tháng Giêng tới tháng Bảy âm lịch, tàu thuyền các nước tụ tập đông đảo để trao đổi sản vật (tơ lụa, đồ sứ, hồ tiêu, gỗ quý…).

Lúc bấy giờ, việc giao dịch ở Hội An do ty Tào Chính quản lý. Khi thuyền cập bến, đầu tiên thương khách phải đến Tào ty để đăng ký và được kiểm tra hàng hóa. Thường các tàu chở đồng thau đều được chúa Nguyễn thu mua sạch (để trang bị vũ khí). Ngoài đồng ra, vào thế kỷ XVI, người Nhật còn phát hiện được mỏ bạc trữ lượng lớn; bạc trắng của Nhật chất lượng cao, nên rất được người Tàu ưa chuộng.

Nhờ bạc tốt lại dồi dào, giai đoạn này người Nhật khống chế, làm chủ cả thị trường Đông Nam Á. Thấy việc làm ăn sinh lợi, bọn thương nhân người Nhật lập luôn đại lý ở Hội An để tính kế lâu dài. Tới 1635, tướng quân Tokugawa Ieyasu có lệnh cấm người Nhật xuất dương, Châu ấn thuyền vì vậy từ đó không còn lai vãng. Nhật kiều ở lại Hội An đa số là người làm công, dần dần bị người Việt đồng hóa. Ngoài Lai Viễn kiều, ở Hội An ngày nay vẫn còn vết tích các mộ cổ của người Nhật.
3- HỘI QUÁN HOA KIỀU
Người Tàu đến Hội An sớm hơn người Nhật cả trăm năm. Hội quán Trung Hoa ở Hội An, trước kia còn giữ một lư cổ hơn 500 năm. Trên thân lư đồng này một mặt đề Giang Chiết hội quán 江浙會館, mặt kia khắc hai chữ “Thành Hóa” 成化, tức niên hiệu của Châu Kiến Nhu (Minh Hiến tôn) từ 1447-1487[2].
Ngoài ra, Theo “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang (Nxb Văn Học, Hà Nội 1979), vào thời chúa Nghĩa (Nguyễn Phước Thái, 1687-1691), có thiền sư Minh Hải người Phước Kiến qua lập chùa Chúc Thánh ở Hội An.
Nhưng trong “Tiến trình di thực và những thay đổi của các khu định cư người Tàu ở Việt Nam: Lấy Hội An làm thí dụ”, Huỳnh Lan Tường tìm thấy lai lịch sư Minh Hải, đã kết luận sư đến Hội An phải từ hồi niên hiệu Thành Hóa[3].

Tuy nhiên, căn cứ vào những kiến trúc cổ ở đường Cường Để, phải đến giữa thế kỷ XVII, cộng đồng Trung Hoa ở Hội An mới bắt đầu thịnh vượng. Tòa kiến trúc xưa nhất của người Tàu ở Hội An là Quan Đế miếu, còn gọi Trừng Hán cung 澄漢宮, một cơ sở gốc tích Đạo giáo, nhưng dân gian thường gọi Chùa Ông. Đây là nơi đã gợi hứng cho Hoàng Lộc, một người thơ lớn lên ở Hội An viết bài thơ để đời: “Bữa say ghé chùa Ông Hội An”[4].

Ngoài ra, các bang Ba Tàu ở Hội An cũng đua nhau xây hội quán: Năm 1697, bang Phước Kiến cất Mao miếu 茅廟, năm 1757 trùng tu đổi tên thành Kim Sơn tự 金山寺, tức Hội quán Phước Kiến ngày nay. Sau đó lần lượt có Quảng Triệu hội quán 廣肇會館 của bang Quảng Đông, rồi Triều Châu hội quán, Quỳnh Phủ hội quán 瓊府會館 (bang Hải Nam). Năm 1741, vượng khí Trung Hoa cực thịnh, người Tàu cất luôn Dương Thương hội quán 洋商會館 (tiền thân của Hội quán Trung Hoa) làm “Tổng đà” – nơi nhóm họp của cả Ngũ bang.



Các hội quán người Tàu hải ngoại này thường có điện thờ Thiên hậu và Quan đế (ngoại lệ có hội quán Triều Châu thờ Phục Ba tướng quân, Quỳnh Phủ hội quán thờ 180 nạn dân[5]), nhưng chức năng chính của nó là trụ sở hành chính, kiêm hội đồng hương, trụ sở liên lạc công thương kỹ nghệ.


Cuối thế kỷ XVII, các cơ sở doanh thương người Tàu tập trung trên trục lộ Cường Để. Phố xá Hội An thuở đó sầm uất hơn cả kinh đô Huế. Đa số Hoa kiều, nhất là người Lưỡng Quảng, đều lấy vợ Việt để tiện việc doanh thương.
4- TỤY TIÊN ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MINH HƯƠNG
Cách miếu Quan đế (chùa Ông) không xa là Tụy Tiên đường 萃先堂 của người Minh Hương, được xây vào cuối thế kỷ XVIII.

Năm 1644, Thanh binh tràn qua cửa ải, đế quốc Đại Minh tan rã. Các tôn thất, cựu thần bất phục Mãn Thanh đều phân tán ra hải ngoại. Ngoại trừ một số theo Trịnh Thành Công ra Đài Loan lập chính quyền riêng, còn lại thì các di thần đều bỏ qua xứ khác. Hùng hậu nhất lực lượng di dân là 3.000 chiến binh của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch quy phụ chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần). Đám này được Nguyễn cho ra khai khẩn đất hoang, lập làng riêng, duy trì phong tục nhà Minh, nên gọi Minh Hương.
Khác với Hoa kiều là những di dân kinh tế, bọn cựu thần nhà Minh là di dân chính trị. Họ cũng tìm tới Hội An, nhưng Tụy Tiên đường của Minh Hương khác với hội quán Hoa kiều ở chỗ đây là nơi thờ cúng “Thập đại lão” và “Tam đại gia” – những bậc tiên hiền nơi đất mới. Thành thử tuy cùng là người Tàu, cùng ở Hội An, trong cùng giai đoạn lịch sử, nhưng lại hình thành hai hệ thống tín ngưỡng-phong tục khác nhau.

Người Minh Hương tuy hằng ôm hoài bão phục quốc, nhưng không vì thế mà lơ là với quê hương mới. Họ cống hiến nhiều trong công cuộc khai phá miền Nam của chúa Nguyễn, cũng như góp phần quan trọng thúc đẩy thương nghiệp “Quảng Nam quốc” phát triển. Một số hiền tài gốc Minh Hương còn được Nguyễn trọng dụng, đã hết lòng trung trinh phò tá đế nghiệp cho triều Nguyễn.
Đến năm 1829, vua Gia Long hạ chiếu cấm người Minh Hương về Tàu. Từ đó, Minh Hương được người Việt nhận chung huyết mạch đồng bào. Họ lần hồi bị đồng hóa sạch, nay chỉ còn Tụy Tiên đường là ấn chứng cho công lao của người Minh Hương với miền Nam xứ Việt.
5- VỸ THANH
Tới cuối thế kỷ XVIII, Hội An vẫn còn là cửa khẩu mậu dịch quan trọng của Đông Nam Á, nhưng qua thế kỷ XIX thì vượng khí tiêu lần.
Trước hết là sông Thu Bồn bị bồi cạn, khiến tàu thuyền gặp khó khăn khi ra vào. Kế đó là chiến tranh với Tây phương, khiến nhà Nguyễn phải hạn chế mậu dịch. Sau đó là chính quyền Pháp xây dựng Đà Nẵng thành thương cảng hiện đại, lần hồi lấn át vai trò của Hội An.
Trải chiến tranh Nam Bắc lần hai 1954-1975, may sao những di tích cổ của Hội An hầu hết vẫn nguyên vẹn, để năm 1999, cổ trấn này thành Di sản Văn hóa Thế giới…
[1] Cho đến nay, hai biểu tượng chó-khỉ này vẫn được lý giải nhiều cách khác nhau. Phần đông cho rằng do cầu được khởi công năm 1593 nhằm năm Thân, hoàn thành năm 1595 nhằm năm Tuất nên mới đặt tượng chó và khỉ. Nhưng nếu tra lịch Vạn niên sẽ thấy năm 1593 là Quý Tỵ, và năm 1595 là Ất Mùi. [2] Tiếc là lư cổ này đã bị trộm mất. [3] Ngoài ra, về tên chùa Chúc Thánh, Nguyễn Lang cho nó có nghĩa là “kính chúc thánh thượng được tốt lành”. Nhưng theo ngữ pháp tiếng Tàu, phải đảo lại thành “Thánh Chúc”, mới có thể cho ra cái nghĩa như trên; đã vậy, “thánh thượng” là từ chỉ dùng tôn xưng nhà vua, mà suốt từ 1558-1777, trải 10 đời, Nguyễn chỉ mới xưng chúa chứ chưa phải đã ngôi vua. Theo Huỳnh Lan Tường, sư Minh Hải lúc trước tu ở Chúc Thánh tự 祝聖寺 trên núi Túc Kê tỉnh Vân Nam, một trọng điểm của Phật giáo Trung Hoa từ đầu đời Minh; nên sau này khi xây chùa ở Hội An đã lấy theo tên Chúc Thánh. [4] https://thotinhhoangloc.wordpress.com/2008/12/09/buasayghechuaonghoian/?fbclid=IwAR0airuNSUEVIqAIPn8kYeGaAxfEqH3WxWgxgXyTIRi-lcJ5xh6DszzKzGM [5] 180 nạn dân Quỳnh Phủ: Mùng 10 tháng 6 Hàm Phong nguyên niên (1851), một đoàn thương thuyền gồm ba chiếc ở Quỳnh Phủ (Hải Nam) giương buồm ra khơi. Mười ngày sau, do gặp bão nên họ ghé vào Quảng Ngãi để tránh.
Sáng sớm ngày 21, có hai văn quan cùng hai võ tướng bản địa xuống tàu kiểm tra. Choáng ngợp trước lượng hàng hóa kếch sù, các quan tướng nảy lòng tham, bèn vu cho bọn trên thuyền buôn là hải tặc. Cứ 10 người bọn Tàu bị xỏ làm 1 xâu, dìm luôn đáy biển, còn xác tàu sau khi chuyển hết hàng hóa vô kho cũng bị đánh chìm ngoài cửa Thuận An.
Tương truyền cùng lúc ấy, vua Tự Đức ở kinh đô nằm mộng thấy 180 oan hồn phủ phục than khóc thảm thương trước bệ, bèn sai Hình bộ bí mật dò la sự tình. Có tên lính Quảng Ngãi nhậu say tiết lộ, nhờ đó Hình bộ tra ra đầu đuôi vụ cướp của giết người. Các nguyên hung thảy bị xử lăng trì, tài vật thu hồi được hoàn trả gia quyến nạn nhân. 180 anh linh Quỳnh Phủ từ đó trở thành những vị thần phù hộ trên biển của người Hải Nam.
Tác giả: Vinhhuy Le
#Nửa_bức_dư_đồ