Confession of Pain – Thành phố của tột cùng đớn đau

Có những bộ phim đẩy những thái cực cảm xúc của con người lên đỉnh điểm, lột tả chúng một cách trần trụi, giày xéo và vò nát tâm can của những nhân vật trong phim cũng như người xem. Confession of Pain là một bộ phim như vậy – khi đề cập đến cảm xúc của mỗi con người trước nỗi đau. Bộ phim được đồng đạo diễn bởi đạo diễn Lưu Vĩ Cường (Andrew Lau) và nhà biên kịch Mạch Triệu Huy (Alan Mak), đánh dấu sự hợp tác tiếp theo của họ sau sê-ri phim tâm lý hình sự kinh điển của điện ảnh Hồng Kông là Vô Gian Đạo (Infernal Affairs, sau này được đạo diễn Martin Scorsese chuyển thể với tên gọi The Departed, giành giải Oscar cho phim xuất sắc nhất năm 2006). Với sự thành công của Vô Gian Đạo, giới mộ đạo điện ảnh đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào bộ phim này.

Tên tiếng Hoa của bộ phim, Seung Sing (傷城 – Thương Thành) có nghĩa là thành phố của những vết thương, được thể hiện qua những góc quay rộng mô tả toàn cảnh thành phố Hồng Kông với tông màu xanh đen u ám, là những căn hộ trống rỗng và đường phố bụi bặm, hay những tòa nhà sáng đèn ban đêm được quay từ trên cao, và ánh sáng của chúng được phản chiếu trên kính xe ôtô… đủ để phác lên chân dung đô thị u tối, ẩn chứa trong đó những góc khuất, những vết thương trong mỗi con người. Đó là vết thương đến từ quá khứ, từ hiện tại, trong chính từng nhân vật của bộ phim.

Một điểm đáng chê nhưng lại cũng đáng khen của bộ phim, đó là tiết lộ danh tính hung thủ gây án ngay từ đầu bộ phim. Với một bộ phim tâm lý hình sự, việc hé lộ bí ẩn của phim sẽ làm đánh mất tính hồi hộp, ly kỳ (suspense) của bộ phim – một trong những yếu tố cuốn hút người xem, khiến họ theo dõi, chờ đợi, xâu chuỗi những tình tiết trong phim và đưa ra những suy đoán của mình. Trái với những bộ phim tâm lý hình sự – điều tra tội phạm truyền thống, Confession of Pain không theo mô-tuýp “whodunit” (ai là thủ phạm?) mà lựa chọn “whydunit” (tại sao lại phạm tội?). Đây là một nét khá độc đáo, và đạo diễn đã khéo léo đánh tráo yếu tố “bí ẩn” của bộ phim bằng yếu tố “nỗi đau” của nhân vật, khiến cho người xem tò mò về động cơ, về lý do gây án của hung thủ.

Nội dung của Confession of Pain xoay quanh một vụ trọng án mà mới đầu tưởng chừng đơn thuần chỉ là một vụ án giết người cướp tài sản với hai nhân vật chính của bộ phim là thanh tra Hei (do Lương Triều Vỹ – Tony Leung thủ vai) và thám tử nghiện rượu Bong (do Kim Thành Vũ – Takeshi Kaneshiro đảm nhiệm). Nạn nhân bị sát hại lại chính là bố vợ tỷ phú của Hei, nên anh không thể tham gia điều tra phá án vì nằm trong diện tình nghi. Còn Bong thì lại được vợ của Lau là Susan (Từ Tịnh Lôi) tin cậy nhờ điều tra do cảm thấy những nghi vấn đằng sau vụ án giết hại bố mình. Kể từ đó những nút thắt của bộ phim được trải ra trước mắt người xem… Mặc dù theo một mô-tuýp độc đáo, sắp xếp các chi tiết manh mối tương đối lô-gíc, tuy vậy cốt truyện Confession of Pain vẫn mắc phải những cliché dập khuôn thường thấy ở một bộ phim tâm lý tội phạm, khiến người xem dễ dàng đoán được tình tiết tiếp theo. Chỉ nhờ hai lý do sau mà khiến người xem kiên nhẫn với bộ phim, lý do đầu tiên chính là ở câu hỏi “tại sao?” cần giải đáp, còn lý do thứ hai ư? Chính ở diễn xuất của hai nhân vật chính.


Lương Triều Vỹ (trái) trong vai thanh tra Hei và Kim Thành Vũ (phải) vai thám tử nghiện rượu Bong

Phải khẳng định, sức mạnh lớn nhất của bộ phim đến từ hai diễn viên chính – Lương Triều Vỹ và Kim Thành Vũ. Không chỉ là diễn xuất xuất sắc ở mỗi cá nhân, mà còn là sự hòa hợp hoàn hảo giữa hai diễn viên trong mỗi cảnh quay chung. Hai nhân vật trong phim vốn là bạn thân, nhưng trong họ là hai tính cách đối lập, tạo sự tương phản nhưng lại gắn kết vô cùng chặt chẽ. Họ đã từng có cơ hội xuất hiện trong cùng một bộ phim (Trùng Khánh Sâm Lâm – Chungking Express của đạo diễn Vương Gia Vệ, năm 1994) nhưng lại không hề chia sẻ một cảnh quay chung nào, và Confession of Pain là lần đầu tiên cả hai song hành với nhau từ đầu đến cuối bộ phim. Lương Triều Vỹ là một trong những diễn viên tài hoa bậc nhất, không chỉ là một báu vật đối với nền điện ảnh Hồng Kông mà còn đối với cả thế giới, khi đã đảm nhiệm rất nhiều những vai diễn tâm lý xuất sắc trong nhiều kiệt tác điện ảnh kinh điển như Bi Tình Thành Thị (A City of Sadness, Hầu Hiếu Hiền, 1989), Lạt Thủ Thần Tham (Hard Boiled, Ngô Vũ Sâm, 1992), Tâm Trạng Khi Yêu (In The Mood For Love, Vương Gia Vệ, 2000), Vô Gian Đạo (Lưu Vĩ Cường, Mạch Triệu Huy, 2003), Anh Hùng (Hero, Trương Nghệ Mưu, 2003)… Anh đã thể hiện một thanh tra Hei với vỏ bọc thâm trầm, dưới lớp vỏ hoàn hảo đó che giấu một nội tâm đa chiều, với những cảm xúc, những suy nghĩ, những nỗi đau nặng nề trong quá khứ được chôn giấu kín. Còn Kim Thành Vũ thì mang lại một làn gió mới cho người xem mỗi khi nhân vật Bong của mình xuất hiện – một người chìm đắm trong quá khứ và rượu, tìm sự khuây khỏa cho nỗi đau thông qua rượu nhưng không quên tìm câu trả lời cho cái chết của người yêu. Anh không còn trở thành một người chỉ chiếm lĩnh cảnh quay đơn thuần bằng vẻ đẹp trai của mình, mà còn bằng việc diễn xuất sắc một nhân vật có nội tâm phức tạp.

Ở tuyến nhân vật phụ, thì nàng Hoa đán Từ Tịnh Lôi một lần nữa đánh dấu sự tham gia trong một bộ phim điện ảnh Hồng Kông, và cô thể hiện rất tròn vai vai Susan – một người vợ đầy tình yêu với chồng cùng với nỗi đau mất mát người thân. Còn Thư Kỳ (Shu Qi) cũng không có nhiều đất diễn, vai diễn của cô rất mờ nhạt và không có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện của bộ phim. Đỗ Vấn Trạch (Chapman To) thì mang lại yếu tố hài hước vào trong phim, nhưng dường như không phù hợp lắm với âm hường buồn bã toàn bộ phim. Đây là một điểm trừ của Confession of Pain.

Một ấn tượng tốt khác về Confession of Pain là cách lồng ghép không gian trong quá khứ đen trắng với con người của hiện tại với màu sắc, thể hiện sự đan xen khéo léo của đạo diễn trong lối dẫn chuyện khiến cho người xem có cái nhìn song song tổng quan hơn. Hay sự đan xen, lồng ghép giữa cảnh truy tìm manh mối của Bong và cảnh truy đuổi kẻ theo dõi của Hei. Nhạc phim cũng được lồng ghép rất “đúng lúc, đúng chỗ” nhằm tạo nên kịch tính cho những phân cảnh có tiết tấu nhanh, dồn dập; hay bản nhạc Jazz với kèn saxophone êm ái, bềnh bồng hòa quyện với nội tâm của nhân vật trong những cảnh hoài niệm, thể hiện đúng tâm trạng của nhân vật. “I try to remember… before it’s too late. I would forgive myself… if I forget your face…”

Vô hình chung, nỗi đau của mỗi nhân vật gộp lại, xiết chặt và được tháo ra hoàn toàn nhờ cái kết đầy thỏa đáng của bộ phim. Một cái kết thể hiện tính nhân quả, ảnh hưởng từ việc đưa triết lý Phật giáo vào phong cách làm phim của Lưu Vĩ Cường. Giống với tiêu đề tiếng Anh của bộ phim (Confession of Pain), lời thú tội (confession) của mỗi nhân vật diễn ra sau sự giác ngộ, thấm đẫm nỗi đau đớn nhưng cũng là sự giải phóng mọi gánh nặng tâm lý được chất chồng, được tích tụ trong quá khứ. Và có lẽ thông qua bộ phim, Lưu Vĩ Cường muốn đưa ra một thông điệp, rằng, cuộc sống như một cái vòng luẩn quẩn, thay vì chìm đắm trong nỗi đau mang lại bởi những ký ức trong quá khứ, thì cách giải quyết duy nhất là bước về phía tương lai

Phạm Minh Quân
Nguồn bài: https://www.facebook.com/photo/?fbid=682449711856567&set=a.278661468902062

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *