Bản dịch của Hà Thủy Nguyên:
Người biết chăng:
Sắt Côn Ngô đúc làn khói nóng
Chói lọi tuôn hơi tía ánh hồng
Thợ lành tôi luyện mấy năm ròng
Đúc được Long Tuyền kiếm hằng mong (*)
Đẹp đẽ Long Tuyền màu sương tuyết
Thợ lành thốt lên ngợi kỳ tuyệt
Tráp ngọc lưu ly nở hoa sen
Khuyên vàng chạm trổ nên ánh nguyệt
Gặp thuở đất trời không biến loạn
Vẫn giúp quân tử lúc phòng thân
Tinh quang lấp lánh xanh thân rắn
Văn hoa mỏng mảnh biếc vân rùa
Chẳng được kết giao cùng hiệp khách
Cũng từng kề cận với anh hùng
Kể chi vứt bỏ giữa dặm trường
Lưu lạc phiêu linh chốn lao lung
Dẫu cho vùi lấp không chỗ dụng
Đêm đêm trời đất khí vẫn xung.
(*) Kiếm Long Tuyền là thanh kiếm nổi danh nhất trong số các bảo kiếm của Trung Hoa. Tương truyền kiếm do thợ rèn nổi tiếng thời Xuân Thu tên là Âu Dã Tử đúc nên. Một lần Âu Dã Tử ngao du qua núi Tần Khê, Chiết Giang thì phát hiện thấy mạch nước Long Tuyền có sắc kim khí. Biết nơi đây có quặng quý, ông đã xẻ núi và lấy được một mảnh “thiết anh”. Nhờ có Sở Vương giúp đỡ, ông đã đồn hết tinh lực luyện nên Long Tuyền kiếm dài ba thước dâng cho Sở Vương. Người ta còn tin rằng về sau thanh Long Tuyền đã được Cao Biền sử dụng trong cuộc đời chinh chiến của mình. “Long Tuyền kiếm” đã trở thành một điển cố để chỉ những thanh bảo kiếm.
Đọc thêm bài thơ “Phong Vũ” của Lý Thương Ẩn có nhắc tới “Cổ kiếm thiên” của Quách Nguyên Chấn
Bản Hán Việt:
Quân bất kiến:
Côn Ngô thiết dã phi viêm yên,
Hồng quang tử khí câu hách nhiên.
Lương công đoàn luyện phàm kỷ niên,
Chú đắc bảo kiếm danh Long Tuyền.
Long Tuyền nhan sắc như sương tuyết,
Lương công ta tư thán kỳ tuyệt.
Lưu ly ngọc hạp thổ liên hoa,
Thác lũ kim hoàn sinh minh nguyệt.
Chính phùng thiên hạ vô phong trần,
Hạnh đắc dụng phòng quân tử thân.
Tinh quang ảm ảm thanh xà sắc,
Văn chương phiến phiến lục quy lân.
Phi trực kết giao du hiệp tử,
Diệc tằng thân cận anh hùng nhân.
Hà ngôn trung lộ tao khí quyên,
Linh lạc phiêu linh cổ ngục biên.
Tuy phục trầm mai vô sở dụng,
Do năng dạ dạ khí xung thiên.
*Tranh minh họa: Y Xuy Ngũ Nguyệt