Đâu từ hồi 2012, phía ngoài vĩ tuyến có kẻ đồn là trong phòng ngủ Tổng thống Ngô Đình Diệm có treo câu đối khảm trai như vầy:
未出土時先有節 Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
到崚雲處也虚心 Đáo lăng vân xứ dã hư tâm
Nghĩa là:
Chưa trồi khỏi đất thì đã có lóng (Chữ “Tiết” ở đây vừa có nghĩa là lóng tre lóng trúc, vừa ám chỉ tiết tháo của người quân tử);
[Chừng lớn lên] cao tới tầng mây mà lòng vẫn rỗng không.Câu đối độc đáo ở chỗ không có chữ “Trúc” nào, mà vẫn khiến người đọc nhận ra rõ là tả trúc.
Tổng thống Ngô Đình Diệm vốn tâm đắc hình tượng cây trúc. Từ lá cờ cho tới dấu triện, mộc, thậm chí trên đồng tiền thời ông cũng có hình trúc. Có lẽ bởi đó mà người ta đồn ra vậy chăng?
-
Cờ Tổng thống “Tiết trực tâm hư” -
Con dấu Bụi Trúc: Trong Dinh Gia Long hồi trước có trưng bày đủ thứ con dấu, con triện của Tổng thống, Phó Tổng thống, các Bộ trưởng, Tư lệnh Vùng, vân vân. Sau “giải phóng”, dinh này thành Bảo tàng Lịch sử, thì bao nhiêu dấu triện đó đều được bán cho nhà máy sản xuất dây điện ở Khu Kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu Công nghiệp Biên Hòa 1). Có vài nhân viên chế độ cũ được “lưu dung” làm việc ở đó lén lượm cất vài con dấu quan trọng. Con dấu Bụi Trúc này vì vậy hiện đang ở ngoại quốc. -
Triện cũng bụi trúc. -
Đồng xu bụi trúc. -
Passport bụi trúc của Đệ Nhất Cộng Hòa
Đồn thì đồn, có điều vui ở chỗ ai cũng cho đó là câu đối, trong khi thật ra nó là cặp Thừa đề trong bài thơ “Vịnh trúc” của Từ Đình Quân đời Tống.
Ngộ hơn nữa là Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thọ, từng là Trưởng ban Văn học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn đi xa hơn, khẳng định luôn đây là câu đối của “Diệp Công Siêu 葉公紹 (1904-1981), nhà ngoại giao, nhà văn, thư họa gia”[1].

* * *
Trước khi đi vô bài thơ “Vịnh trúc”, xin thứ cho tôi cái tật dài dòng, để nói qua về chữ “Vịnh”. Các thi nhân cả ta lẫn Tàu thời xưa, đều có thói quen mượn cảnh tả tình, nên Vịnh là thể loại được họ ưa chuộng.
Loại này xuất hiện đâu từ thời Tiên Tần, qua đời Hán thì phát triển, tới đời Đường định hình với nguyên tắc hẳn hoi, là muốn vịnh gì thì vịnh (vịnh cảnh, vịnh vật, vịnh người, vịnh sử…) tùy ý, nhưng tuyệt không được gọi thẳng tên thứ mình vịnh đó ra.
Thí dụ:
VỊNH CHÓ ĐỰC
Ấy là giống thú sủa gâu gâu
Tuy nhiên hổng phải là con trâu
Khi nằm với vợ thì y… đứng
Suốt đời không ăn một miếng trầu!
Bài này cà rỡn, nhưng “độc” ở câu luận, chữ “nằm” ở đây có nghĩa là “ăn nằm”, từ đó dẫn tới tư thế đứng nọ của chó; và câu kết là để chửi xỏ mấy người hổng ăn trầu!
Kiểu vịnh “chỉ chó mắng mèo” này, hồi Pháp thuộc ở ta rất thịnh hành, tiêu biểu là bài này (cũng khuyết danh):
VỊNH GHẺ NGỨA
Khốn nạn mày ơi, tớ lạy mày!
Sao mày lẩn quất mãi chi đây?
Trước còn ăn ruỗng lần da mỏng,
Sau lại dùi vô thớ thịt dày.
Sâu trắng đục ngầm không kẻ biết,
Nước vàng chảy mãi có ai hay.
Mấy phen thuốc đắng mà chưa khỏi,
Sớm liệu thì đâu đến nỗi này…
Bốn chữ “sâu trắng nước vàng” đủ gợi lên hình tượng thực dân Pháp đục khoét nước Nam ta…
Phan Văn Trị cũng có bài:
VỊNH CON CUA
Trên đời có mấy mặt đi ngang,
Ỷ lớn chơn tay có một chàng.
Lõ mắt không phân người phải quấy,
Giơ càng chẳng lựa đứa ngay gian.
Đưa mình theo nước hiềm không ruột,
Lột vỏ già đời chẳng thấy gan.
Gặp lúc tối trời thì kể chắc,
Nghe hơi có động rút vô hang.
Qua đó thì biết: hễ vịnh chó thì chẳng những không được nhắc tới chữ “chó”, mà mấy chữ “cẩu”, “khuyển” hoặc “cầy” cũng cấm. Tương tự, muốn vịnh thủ tướng cũng được, nhưng cấm dùng mấy chữ Phúc, Chính, Đam vân vân. Hễ phạm lỗi này là coi như non tay, nhớ nha!
* * *
Trở lại bài Vịnh trúc.
Trong Toàn Đường Thi có hơn 6.300 bài thuộc loại này. Rêng vịnh trúc thì từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh có cả thẩy 12 bài, trong số đó thì bài của Từ Đình Quân được xếp hàng đầu.
Từ Đình Quân 徐庭筠 (1095-1179), tự Quý Tiết 季節. Lúc trẻ đi thi, gặp đề ra biểu ca tụng nhà Tống trung hưng. Quân làm bài móc họng triều đình, nói đời này có gì mà ca tụng, vì vậy bị đuổi về. Quân từ đó đấm đách làm quan, vô núi ở ẩn với cha là Từ Trung Hành. Thơ ông để lại chỉ mỗi bài này.

《詠竹》 VỊNH TRÚC
不論台閣與山林 Bất luân đài các dữ sơn lâm
愛爾豈惟千畝陰 Ái nhĩ khởi duy thiên mẫu âm
未出土時先有節 Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
便淩雲去也無心 Tiện lăng vân khứ dã vô tâm
葛陂始與龍俱化 Cát Pha thủy dữ long câu hóa
嶰穀聊同鳳一吟 Giải Cốc liêu đồng phụng nhất ngâm
月朗風清良夜永 Nguyệt lãng phong thanh lương dạ vĩnh
可憐王子獨知音 Khả lân vương tử độc tri âm
Dịch nghĩa:
Cho dù ở nơi lầu gác hay rừng núi, Riêng chỉ yêu bóng ngươi rợp mát mênh mông.
Chưa nứt đất trồi lên đã sẵn tiết tháo (chính trực); Chừng ngọn quét tầng mây vẫn bọng ruột (Chữ “vô tâm” ý nói lòng trống không, lòng trống không nên công bằng, không thiên vị ai).
Từ ngọn roi từng hóa thành rồng (Cát Pha là tên riêng của loại trúc Long Tu, có thể dùng làm khí giới. Cặp roi giúp tướng Uất Trì Cung đời Tùy Đường thành danh, cũng như con ngựa trúc trong “thanh mai trúc mã” của Lý Bạch chính là làm từ loại trúc này. Hóa thành rồng là tích trong “Thần tiên truyện” của Cát Hồng [283-343] đời Tấn, kể chuyện Phí Trường Phòng theo Hồ Công tu tiên, khi Phòng nhớ nhà muốn về thăm thì Hồ Công cho cây trúc, biểu cỡi lên đó. Cây trúc hóa thành rồng xanh đưa Phòng bay lướt ngàn dặm).
Khoét ống tiêu mà gọi chim phụng (tích trong Hán thư, Huỳnh Đế dùng trúc ở Giải Cốc phía bắc núi Côn Luân khoét thành ống tiêu, khi thổi lên thì có chim phụng hoàng tới chầu).
Khiến cho bóng đêm luôn yên lành trăng trong gió mát; Tiếc là chỉ có vương tử nọ biết tri âm (Vương tử: tích Tiêu Tử Hãn, vương tử thứ 11 của Tề Võ Đế. Tương truyền khi mẹ bệnh nặng, Hãn chặt cành trúc chế làm đèn để thức canh chăm nom. Sáng ra cắm cành trúc đó ngoài vườn thì nó đâm tược nẩy chồi sum suê, mẹ Hãn thấy vậy vui mừng mà lành bệnh)[2].
Toàn bài không một chữ Trúc, nhưng câu nào cũng tả trúc. Lời lẽ đã thanh nhã, hình tượng lại sinh động, tỏ ra được khí khái hào sảng, tình cảm dồi dào[3].
* * *
Nhắc lại, bài viết này chỉ là cung cấp cho người yêu thích biết xuất xứ của “câu đối” nọ, và lý do nó đã không nhắc tới trúc mà lại tả trúc rành rành. Còn nó có được treo trong phòng ngủ Tổng thống Ngô Đình Diệm hay không thì tôi thiệt hổng biết.
Mà có treo đi nữa cũng chẳng nói lên điều gì. Diệm quả là có mắt xanh với trúc, nhưng cả đống cờ quạt ấn triện kia vẫn chưa đủ để từ đó kết luận là một đời cố Tổng thống cũng chính trực công bằng như trúc. Tổng thống gì gì đi nữa cũng người phàm, cũng bị thất tình lục dục chi phối. Tổng thống thì làm sao bì được với Chủ tịch Bí thư là thứ hổng phải người, nên thánh con bà nó hết trơn cả tụi, lêu lêu!
_________
[1] Chẳng có ai tên là “Diệp Công Siêu 葉公紹” như Ngô Đức Thọ mô tả cả. Ngộ hơn nữa là Thọ lại đọc chữ “Thiệu” 紹 thành “Siêu”.Tôi cho là ổng đã lộn “Diệp Công Siêu” đó với Diệp Thánh Đào 葉聖陶 (1894-1988), nhà thư pháp và nhà giáo dục. Người này vốn tên là Diệp Thiệu Quân 葉紹鈞, tự Bỉnh Thần 秉臣, quê ở Giang Tô, là giáo viên trung học. Năm 1914 bị đuổi dạy, bắt đầu viết văn. Sau khi Trung cộng nắm quyền, Diệp Thiệu Quân được trọng dụng, từng làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Từ đó Quân chuyên viết sách giáo khoa. Có thể nói hầu hết người thành niên ở Hoa lục đều từng học sách giáo khoa do Quân soạn. Vì vậy khi nhắc tên ông, họ đều đệm thêm chữ “Công” 公 để tỏ ý tôn kính, là “Diệp công Thiệu Quân” 葉公紹鈞.
Phó giáo sư Ngô Đức Thọ chính là lẩy từ đó ra mà thành “Diệp Công… Siêu”. Đã vậy còn nói thêm là có bức tranh trúc của ông đó, làm tôi dò tìm muốn nổ con mắt mà hổng ra.
Diệp Thiệu Quân là nhà thư pháp có thể nói thuộc hàng đầu Hoa lục, nhưng không có bức vẽ trúc nào.
Nhân tiện nói thêm, trước đó bên Tàu, trong nhà trường, môn Văn vẫn được gọi là môn “Quốc ngữ” hoặc “Quốc văn”. Năm 1949, cách cái mạng thành công, Quân được Cộng giao viết sách giáo khoa, bèn nảy ra sáng kiến quá hay, là ghép hai từ “Quốc ngữ” và “Quốc văn” lại, thành ra tên cho môn Văn của chế độ mới là “Ngữ văn”. Ai đó ở Việt Nam có thù với môn Ngữ văn, muốn chửi thì biết lôi tên ai ra rồi ha!
[2] Bài này chép trong Quyển 22, Tống thi Thập di 宋詩拾遺 do Trần Thế Long 陳世隆 đời Nguyên soạn.Tác giả: Vinhhuy Le
#Chuyện_thơ_phú