2001: A Space Odyssey – Khi nghệ thuật đi trước thời đại và dự báo về tương lai

20 phút đầu tiên, ta đến với khởi nguyên sơ khai của loài người, với lục địa cằn cỗi, hoàn toàn chưa có sự hiện diện của những nền văn minh nhân loại. Ở đó chỉ tồn tại động vật và loài vượn người hoang sơ, man di và bản năng. Chúng học cách sử dụng xương động vật để làm công cụ, và cuối cùng, làm vũ khí để giành lại lãnh thổ. Sau trận chiến tranh giành lãnh thổ, chiếc xương được tung lên trời cao – như một biểu tượng, một hình ảnh biểu trưng cho bước nhảy vọt về tiến hóa – chiếc xương trở thành chiếc tàu trong không gian vũ trụ. Và năm phút nối tiếp sau đó là hình ảnh vệ tinh như đang trình diễn múa ballet trên nền bản nhạc The Blue Danube của nhà soạn nhạc cổ điển Johann Strauss II trong không gian ngoài Trái Đất, một trong những trích đoạn nổi tiếng nhất, quan trọng nhất và được đưa vào nhiều phóng sự phim nhất trong lịch sử của điện ảnh… một bước nhảy vọt không chỉ của điện ảnh mà còn là bước nhảy vọt của toàn nhân loại.

Nhắc đến thể loại khoa học viễn tưởng (science fiction) về vũ trụ, giới mộ đạo điện ảnh thường biết tới nhiều hơn những thương hiệu phim (franchise) nhiều phần ăn khách như Star Trek, Star Wars hay Alien. Nhưng ít ai biết, những Ridley Scott, George Lucas, Steve Spielberg, James Cameron hay sau này là Christopher Nolan (với bộ phim Interstellar) đều lấy cảm hứng và ý tưởng từ một bộ phim khoa học viễn tưởng ra mắt từ năm… 1968. Bộ phim này, tuy không phải là bộ phim đầu tiên về đề tài khoa học viễn tưởng – vũ trụ (mà phải là bộ phim Forbidden Planet năm 1956), nhưng là bộ phim cột mốc, là nền tảng cho các bộ phim cùng thể loại sau này – chính là 2001: A Space Odyssey. Tất nhiên, đạo diễn của bộ phim này cũng phải là một đạo diễn huyền thoại – Stanley Kubrick.

Điện ảnh là một nghệ thuật. Stanley Kubrick cũng đơn thuần không phải chỉ là một đạo diễn, một nhà làm phim, mà ông là một người nghệ sĩ. Luôn sáng tạo và có nhiều chuẩn mực, thậm chí nhiều người từng đánh giá Stanley Kubrick là một kẻ theo chủ nghĩa cầu toàn cực đoan. Giống như chuyện sáng tác một tác phẩm văn học, hay một bức tranh hội họa, Stanley sử dụng điện ảnh như một ngôn ngữ chuyển tải, một cầu nối nghệ thuật nhằm đưa những triết lý và tầm nhìn của mình thông qua phim đến với khán giả, buộc người xem phải có những sự cắt nghĩa và chiêm nghiệm. Ấy bởi vậy mà những bộ phim của ông như Dr. Strangelove (1964), A Clockwork Orange (1971) hay The Shining (1980) đều nhận được sự đón nhận không chỉ với người yêu điện ảnh mà còn đối với toàn bộ khán giả đại chúng, trở thành những tác phẩm điện ảnh kinh điển thế giới. 2001: A Space Odyssey có thể coi là một đơn cử, với tầm nhìn vượt thời đại và những triết lý bên trong nội tại của nó.

Cuối thập niên 60s, Stanley Kubrick đã nhen nhóm mối quan tâm về đề tài sự sống ngoài trái đất và ấp ủ ý tưởng làm một bộ phim khoa học viễn tưởng về đề tài này. Sau này, ông gặp nhà văn Arthur C. Clarke – một trong “tam trụ” của thể loại văn học khoa học viễn tưởng về vũ trụ và tương lai. Từ truyện ngắn The Sentinel được Arthur C. Clarke sáng tác năm 1948, ý tưởng thai nghén cho 2001: A Space Odyssey đã được hình thành. Cuối cùng, một bộ phim về đề tài du hành khám phá vũ trụ, cũng như một cách nhìn sâu sắc về tương lai đã được ra đời, cùng với đó là ba phần tiểu thuyết sau này.

Với thời đại chúng ta ngày nay, những ứng dụng khoa học công nghệ như tàu vũ trụ, màn hình trên ghế máy bay, điện thoại video, nhận diện qua giọng nói, hay máy tính bảng trở nên rất đỗi quen thuộc và bình thường đối với chúng ta. Nhưng ở thời điểm bộ phim ra mắt, tức là năm 1968, những con người thời đại bấy giờ còn thậm chí chưa có hình dung về chúng, chưa hề có ý niệm chúng sẽ trở thành một phần cuộc sống sau này. Và cũng phải nhắc một chút về lịch sử, là năm 1969 con người mới đặt bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng, và phải đến đầu những năm 1980 mới xuất hiện chiếc máy tính cá nhân đầu tiên. Nhưng trong 2001: A Space Odyssey, con người và công nghệ đã vươn xa hơn thế. Đã có tàu vũ trụ, trạm vũ trụ không gian, căn cứ trên Mặt Trăng, đóng băng cơ thể và thậm chí là trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) và du hành tới hành tinh sao Mộc. Một chuyện liên quan tương đối khôi hài, khi Apple kiện Samsung vi phạm sáng chế máy tính bảng, Samsung đã đưa ra bằng chứng là máy tính bảng đã “xuất hiện” từ tận năm 1968 trong chính bộ phim 2001: A Space Odyssey, bởi vậy sản phẩm của Apple cũng chỉ là sản phẩm phái sinh mà thôi. Nhiều công nghệ trong 2001: A Space Odyssey thậm chí nhân loại ngày nay cũng chưa đuổi kịp được, thể hiện tầm nhìn đi trước tới… hơn 50 năm và hơn thế nữa của đạo diễn Stanley Kubrick cũng như tác giả Arthur C. Clarke về tương lai.

Một lời cảnh tỉnh được đưa ra thông qua bộ phim về sự phát triển quá nhanh của khoa học công nghệ sẽ ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống loài người. Tuyến nhân vật của phim không nhiều, và đất diễn cho các diễn viên tương đối ít. Tuy vậy, một điều độc đáo và kỳ lạ của phim là nhân vật được giới phê bình đánh giá cao nhất lại không phải là một nhân vật do diễn viên người đóng mà lại là một nhân vật hư cấu – HAL 9000. Hal là một siêu máy tính có khả năng suy nghĩ, giao tiếp ở trình độ cao và có nhận thức tình cảm giống con người. Chính điều này tạo ra mối quan ngại rằng, với sự phát triển đỉnh cao của trí thông minh nhân tạo, những trở ngại về vật lý và sức khỏe bị bỏ qua, cùng với tính chính xác cao, liệu máy móc sẽ thay thế con người trong tương lai? Và liệu sẽ có một cuộc nổi dậy của máy móc khi chúng nhận thức được quá nhiều? Nếu người đọc quan tâm những bảng xếp hạng của Viện Điện ảnh Mỹ (AFI), cụ thể là bảng 100 anh hùng và phản diện xuất sắc nhất, thì ắt sẽ bất ngờ với nhân vật phản diện xếp thứ 13.

2001: A Space Odyssey Hal 9000 Model Kit with Lights by Moebius NEW! 2001: A Space Odyssey Hal 9000 Model Kit with Lights by Moebius [184MB201] - $39.99 : Monsters in Motion,

Quay trở lại với bộ phim, bên cạnh việc thể hiện một tầm nhìn khoa học cách tân, thì 2001: A Space Odyssey không đơn thuần chỉ là một bộ phim khoa học viễn tưởng. Đây là một bộ phim mà ở đó, Stanley Kubrick và Arthur C. Clarke đặt ra vấn đề tự nhận thức của con người, rằng mục đích lẽ tồn tại của con người là gì, và con người sẽ đi về đâu trong tương lai – một câu chuyện về tiến hóa, và buộc người xem phải suy nghĩ về nó, giống như nhân loại vẫn đã, đang và sẽ luôn trăn trở về nó ngày nay. Câu chuyện này được thể hiện qua vòng đời, chu kỳ của cuộc sống, từ lúc ta trẻ cho đến khi già, và trở lại tái sinh là một đứa trẻ. Đó là thông điệp luân hồi đầy nhân văn ẩn giấu dưới bề mặt của bộ phim.

Hơn thế nữa, ở một tầng hiểu sâu hơn, sự hiện diện của cấu trúc hình tháp đen (monolith) là một biểu tượng tượng trưng cho tôn giáo, xuyên suốt thời gian lẫn không gian. Khi ở phân đoạn thời khởi nguyên, đám vượn người vây quanh nó, tôn sùng nó, và nó cung cấp sức mạnh động lực để đám vượn người nhặt khúc xương và đập nát những gì xung quanh. Cũng giống như Chúa đã tạo ra loài người, khiến chúng ta tiến hóa và mang lại niềm tin cũng như sinh kế cho chúng ta. Hay như ở cuối phim, cấu trúc này lại xuất hiện và dường như mang lại sự đầu thai tái sinh cho nhân vật, giống như Chúa dẫn dắt những linh hồn và đưa đến cuộc sống mới vậy.

50 Facts about Stanley Kubrick's 2001: A Space Odyssey

2001: A Space Odyssey cũng là một kiệt tác về nghệ thuật khi chứa đựng đầy những thước phim hình ảnh đẹp, và từng khung hình của bộ phim đều có thể tách riêng ra để trở thành một tấm hình nghệ thuật. Điều gây ấn tượng mạnh đối với người xem của phim là những đúp quay không gian trải dài, góc rộng, từ xa tới gần và ngược lại, tạo cảm giác hoành tráng và kỳ vĩ. Có thể nói, 2001: A Space Odyssey là bộ phim đặc tả Trái Đất, Mặt Trăng, các hành tinh và vũ trụ thơ mộng và sinh động nhất. Tuy được thực hiện trong cái thời mà kỹ xảo cũng điều kiện tư liệu chưa phát triển như ngày nay, nhưng Stanley Kubrick vẫn khiến chúng ta phải trầm trồ nể phục bởi sự tinh tế, tỉ mỉ và thấu đáo trong từng chi tiết của bộ phim. Từ những chi tiết máy bên ngoài vỏ tàu vũ trụ, máy móc linh kiện bên trong còn tàu, hay cả những nút bấm trên thiết bị đều được mô tả và kèm theo những chỉ dẫn tỉ mỉ chính xác. Giải Oscar duy nhất mà bộ phim giành được là giải Oscar cho hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất, đặc biệt nhờ trải nghiệm thị giác mà phim tạo ra cho người xem ở cuối bộ phim. Thị giác người xem sẽ bị lôi cuốn vào giải màu đa sắc với hàng nghìn hình ảnh có độ tương phản cao, sử dụng nghệ thuật thị giác và sau đó là những phong cảnh mang tông màu âm bản, như đẩy người xem lạc vào ảo giác phiêu diêu. Thật khó thể tưởng tượng nổi cảm giác thưởng thức bộ phim này qua màn hình lớn sẽ choáng ngợp tới mức nào.

2001: A Space Odyssey ra đời trong thời điểm chưa được tiếp cận với kỹ thuật chroma key (màn hình xanh) để làm kỹ xảo, bởi vậy phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng của đội ngũ thiết kế sản xuất. Thực sự phải ngả mũ đối với các nhà dựng cảnh của bộ phim, đơn cử như để quay những nội cảnh trong tàu vũ trụ, đội ngũ làm phim đã phải xây dựng một mô hình lồng có hình dạng ống xoay nặng 27 tấn với đường kính 12m và rộng 3m. Để thể hiện cảnh đi bộ trong tàu vũ trụ, chiếc lồng sẽ xoay tròn và diễn viên phải đi bộ theo nhịp xoay để giữ vị trí thăng bằng của mình ở đáy lồng, trong khi tạo cảm giác cho người xem là nhân vật đang di chuyển xung quanh tàu. Còn những cảnh môi trường không trọng lực thì những đồ vật lơ lửng được treo bằng cáp không màu từ trên xuống và nhân vật sẽ đứng một cách khéo léo để che những sợi cáp đó đi, mang lại cảm giác rất “thực” tới người xem.
2001: A Space Odyssey' Exhibition Coming to Museum of Moving Image | IndieWire

Stanley Kubrick là một bậc thầy trong việc sử dụng âm nhạc trong điện ảnh, điều này vốn không cần bàn cãi. Ông không thích sử dụng nhạc phim được sáng tác riêng cho mình, mà trái lại để thỏa mãn sự cầu toàn của mình, ông lựa chọn những tác phẩm nhạc cổ điển kinh điển. Ông quan niệm rằng, để có những cảnh quay đáng nhớ trong điện ảnh, phải xây dựng những cảnh quay đó trên nền nhạc kinh điển. 2001: A Space Odyssey đi đầu trong việc sử dụng nhạc giao hưởng trong những cảnh quay không gian vũ trụ, điều mà về sau trở thành một cliché (khuôn mẫu) lặp đi lặp lại ở rất nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng về vũ trụ sau này. Trong phim, bản nhạc đặc trưng nhất chính là The Blue Danube của nhà soạn nhạc nổi tiếng Johann Strauss II đã trở thành bất hủ với cảnh quay ngoài không gian. Ngoài ra, Stanley Kubrick còn sử dụng những bản nhạc cổ điển của Richard Strauss, Aram Khachaturian và György Ligeti dành cho phim. Xen giữa đó là sự cân bằng hợp lý giữa những cảnh quay với âm thanh ồn, giằng xé tạo cảm giác hồi hộp và những cảnh màu đen vô cùng thể hiện sự im lặng đến tuyệt đối của khoảng không tạo âm hưởng cho toàn bộ bộ phim. Có thể nói, ông đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa những yếu tố nghe – nhìn để giúp người xem có một trải nghiệm thị giác – thính giác đặc sắc nhất, sống động nhất.

Tuy là một bộ phim mang thể loại khoa học viễn tưởng, nhưng về bản chất, 2001: A Space Odyssey lại là một bộ phim theo chủ nghĩa hiện thực. Tất cả những ý niệm, giả thiết, và những câu hỏi trong phim đều xuất phát từ thực tế. Đối với người xem, toàn bộ bộ phim là một cuộc du hành xuyên thời gian và không gian, một trải nghiệm nghe và nhìn, bằng giác quan và cái tâm của người xem… Hay nếu thậm chí đơn thuần chỉ là chiêm ngưỡng cái đẹp của một kiệt tác nghệ thuật, thì những giá trị của 2001: A Space Odyssey sẽ vẫn mãi trường tồn theo thời gian và sự phát triển của nhân loại.

Tác giả: Phạm Minh Quân

Nguồn bài: https://www.facebook.com/photo?fbid=704651259636412&set=a.278661468902062

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *